“Đó là một lần hát đám cưới con gái của một fan ở Bắc Kạn. Hát xong đám cưới, chị mời tôi lên lầu rồi đưa tôi túi đồ hiệu xếp đầy tiền, lên đến 500 triệu”, Long Nhật nhớ lại.
Chương trình Chuyện cuối tuần tập 25 với chủ đề “Ca sĩ không qua trường lớp, liệu có thành công?” góp mặt ở ghế khách mời là ca sĩ Long Nhật. Nam nghệ sĩ đã có những chia sẻ chân thật về bản thân và bàn luận về các vấn đề xoay quanh chủ đề của chương trình.
Cãi lời cha theo nghệ thuật, từng nhận được đến 500 triệu đồng
Long Nhật sinh năm 1967, anh gắn liền với nghề ca sĩ đã được 30 năm. Nam ca sĩ nổi tiếng với hàng loạt ca khúc về Huế: Mấy nhịp cầu tre, Tình Huế, Tóc em đuôi gà, Về quê ngoại… Tuy nhiên, con đường đến với đam mê ca hát của anh cũng lắm gian nan, thử thách.
Long Nhật chia sẻ về thời gian làm nghề nhiều thăng trầm của mình |
Từ khi còn nhỏ, Long Nhật đã có năng khiếu ca hát và tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật ở Nhà văn hóa, Đài truyền hình. Tuy nhiên, cha anh lại không thích anh theo con đường này, mà luôn hướng anh theo nghề sư phạm truyền thống của gia đình. Các chị em trong gia đình Long Nhật đều theo nghề giáo viên, thạc sĩ, tiến sĩ… nối nghiệp gia đình. Long Nhật lại luôn ấp ủ cho mình con đường nghệ thuật ca hát.
Khó cãi lời cha, anh phải nộp đơn vào thi sư phạm. Nhận kết quả “thi trượt”, Long Nhật đã mừng “rớt nước mắt” vì chỉ muốn thi để đối phó chứ không phải vì yêu thích.
Trượt đại học, Long Nhật phải trở lại Huế làm kế toán ở Sở Giao thông vận tải. Không từ bỏ đam mê ca hát, anh tận dụng các cuộc thi tổ chức văn nghệ sở để đăng ký tham gia thi đấu. Nam ca sĩ đạt được nhiều giải thưởng, ước mơ được đứng trên sân khấu của anh ngày càng cao.
“Được đi hát tôi vui lắm, nên khi trở lại làm ở phòng kế toán là tôi giống như chết rồi. Tôi nhớ sân khấu, nhớ khán giả, nhớ ánh đèn khủng khiếp. Tôi khao khát xin mẹ được làm công việc liên quan đến ca hát, vì đó là niềm hạnh phúc của tôi” – Long Nhật ngậm ngùi kể lại.
Về sau, anh trốn về đoàn Hải Đăng Nha Trang để tiếp tục theo đuổi đam mê khiến cha đòi từ mặt nếu anh không chịu quay về nhà.
“Tôi xin cha cho đi hát 3 năm, nếu thành danh cho đi luôn, còn không được sẽ về học sư phạm theo cha. May mắn là sau 2 năm, tôi đoạt giải và nổi tiếng với bài ''Mấy nhịp cầu tre"- Long Nhật kể chặng đường gian nan của mình.
Nghề ca hát khi ấy thu nhập không cao, thậm chí không đi diễn thì chỉ nhận được tiền cơm. Hôm nào đi diễn được bồi dưỡng 10.000 đồng, dù không nhiều nhưng Long Nhật vẫn rất vui vẻ, hạnh phúc vì được sống với đam mê của mình.
Nam ca sĩ không ngại khi chia sẻ về số tiền cát-xê mình từng nhận được đến 500 triệu đồng. Long Nhật kể lại: “Đó là một lần hát show đám cưới con gái của một chị fan ở Bắc Kạn, hát xong đám cưới, tôi nhớ chị mời tôi lên lầu. Chị chê "cái túi này bé quá", rồi chị đưa tôi túi đồ hiệu xếp đầy tiền, số tiền lên đến 500 triệu. Chị còn hỏi tôi “chừng này là đủ chưa?”, về sau các dự án âm nhạc của tôi đều được gia đình anh chị hỗ trợ rất nhiều”.
Nhiều bạn trẻ ngày nay đến với nghệ thuật không vì đam mê
Xoay quanh chủ đề của chương trình, đạo diễn Lê Hoàng cùng Long Nhật đã điểm qua những gương mặt trong làng giải trí Việt không cần qua trường lớp nhưng vẫn thành công. Long Nhật tiết lộ có khá nhiều nghệ sĩ cùng lứa với anh như Đàm Vĩnh Hưng, Vũ Hà, Phương Thanh, Quang Lê, Quang Dũng vẫn có được chỗ đứng trong lòng khán giả.
Theo Long Nhật, số lượng các nghệ sĩ thành danh có và không qua đào tạo tương đương 50/50. Từ thế hệ của anh trở về trước, đa phần các nghệ sĩ bước ra theo phong trào và tự bộc phát tài năng là nhiều.
Long Nhật cho biết anh không được học hành bài bản vẫn trở thành ca sĩ nổi tiếng. Anh kể từng đi học luyện thanh, tham gia các lớp đào tạo thanh nhạc. Tuy nhiên, anh cảm thấy khó tiếp thu những bài giảng về nhạc lý, nốt nhạc nên anh chọn ca hát thiên về cảm xúc của mình hơn.
“Không biết các nghệ sĩ theo trường lớp, học tập và tốt nghiệp ra làm sao, nhưng tôi thấy nếu vận dụng kỹ thuật quá nhiều sẽ làm mất yếu tố tình cảm trong lời hát. Tôi hát bằng giọng mộc mạc, cảm xúc tự nhiên của mình” – Long Nhật bày tỏ quan điểm cá nhân.
Tuy nhiên, anh cũng cân nhắc nếu có con theo học nghệ thuật, anh sẽ cho con học theo trường lớp. Được đào tạo kỹ càng các con sẽ được bổ sung nhiều kiến thức và tạo nền tảng cơ bản để phát triển. Có nền tảng vững chắc, người ca sĩ dễ phát huy được lợi thế của mình, có khả năng giữ giọng lâu hơn, bền hơn.
Long Nhật và Lê Hoàng bàn luận xoay quanh chủ đề “Ca sĩ không qua trường lớp, liệu có thành công?” |
Khi nhắc đến vấn đề phong trào theo đuổi nghệ thuật của giới trẻ hiện nay, Long Nhật bày tỏ trước đây ít người làm nghệ thuật nên người nào thật sự hát hay, giỏi mới trở thành nghệ sĩ.
Theo anh, hiện nay có nhiều bạn trẻ đến với nghệ thuật không vì niềm đam mê như thế hệ trước mà thích sự nổi tiếng và chạy theo những hào nhoáng. Vì thế, khi xảy ra một biến cố nào đó, họ nhanh chóng bỏ nghề mà không trăn trở. Đối với thế hệ của anh, nghề hát là một nghề rất thiêng liêng, chỉ khi ca hát mới cảm thấy được sống, được hạnh phúc.
Theo Vietnamnet