Đi du lịch hay đi chụp ảnh?

16/04/2023 16:40

Đi du lịch mà chỉ lo chụp ảnh đăng Facebook, Zalo, không quan tâm điểm đến của mình thì chuyến đi cũng giảm bớt ý nghĩa.


Chụp ảnh vô tội vạ có thể khiến một chuyến du lịch mất đi ý nghĩa (ảnh minh họa)

Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu đi du lịch trong nước và nước ngoài tăng mạnh. Thế nhưng, với chiếc điện thoại thông minh trên tay, nhiều người chỉ chăm chăm chụp ảnh để đăng Zalo, Facebook mà không quan tâm thông tin về điểm đến của mình. Có người đã phải thốt lên: không biết họ đi du lịch hay đi chụp ảnh?

Chụp từ khi cầm vé máy bay...

Chị Trần Nguyễn L. A. chuyên gom khách du lịch ở khắp nơi trong tỉnh Hải Dương và tổ chức các tour theo kiểu "tiểu ngạch". Chị chủ động từ việc thuê xe, đặt vé máy bay và làm việc thẳng với điểm du lịch mà không thông qua các công ty lữ hành. Trên trang Facebook cá nhân của chị L. A. luôn tràn ngập hình ảnh các điểm du lịch, từ phong cảnh, món ăn cho đến ảnh cá nhân trong nhiều loại trang phục. 

"Tôi làm dịch vụ, đây cũng là cách để quảng cáo đến khách hàng. Thực tế thì khách đến điểm du lịch chụp ảnh là quyền của họ. Đấy là cách để họ kỷ niệm một chuyến đi, một điểm đến", chị L. A. nói.

Tuy vậy, chị L. A. cũng thừa nhận trào lưu chụp ảnh vô tội vạ có thể làm méo mó một chuyến du lịch. Thay vì đi du lịch để thăm thú cảnh đẹp, thưởng thức các món ngon, tìm hiểu lịch sử, đời sống người dân địa phương, thì nhiều người rất vất vả vì "đường chụp ảnh". Có những khách một ngày thay mấy bộ quần áo để chụp ảnh, chụp xong mồ hôi nhễ nhại, mệt hơn ở nhà. Có những khách chụp ảnh suốt chuyến đi, từ khi cầm trên tay tấm vé, đến lúc lên máy bay, xuống sân bay, vào phòng khách sạn...

Đã có nhiều lần cả đoàn bị trễ hành trình chỉ vì một vài khách mải mê chụp ảnh. Hoặc có những du khách làm đủ các tư thế, trang phục không phù hợp khi chụp ảnh khiến nhiều người phải ngán ngẩm. Có những địa điểm luôn đông nghẹt du khách xếp hàng chờ đến lượt chụp ảnh. Người này vừa chụp xong bước ra thì người khác lập tức bước vào.

Trên báo chí hoặc các trang du lịch không hiếm các thông tin: Cây phượng gây bão mạng "hút" đoàn người xếp hàng chờ check-in giữa trưa; Khách xếp hàng chờ chụp ảnh ở bức tường vàng nổi tiếng Đà Lạt; “Giận tím người” với loạt ảnh xếp hàng đông như kiến ở Đà Lạt hiện nay, muốn đi du lịch trước tiên phải học tính kiên nhẫn...

Nắm bắt được tâm lý ưa chụp ảnh của khách du lịch, nhiều điểm đến đã thiết kế hàng loạt các điểm check-in. Thế nhưng không phải nơi nào cũng có những điểm check-in bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật và tầm cỡ như cầu Vàng ở Bà Nà Hill (Đà Nẵng). Nhiều nơi thiết kế các điểm check-in nhưng thể hiện sự kém hiểu biết, kém thẩm mỹ của chủ khu du lịch khiến dư luận phải lên tiếng và bị tháo dỡ.


Nhiều du khách chỉ quan tâm chụp ảnh mà ít khi tìm hiểu về điểm đến du lịch (ảnh minh họa)

"Rảnh là có ảnh"

"Có cảnh là có ảnh", "Rảnh là có ảnh", mà không cần biết đó là cảnh gì. Thậm chí có người chấp nhận nguy hiểm để có một bức ảnh. 

Năm 2022, có nam du khách mải chụp ảnh đã ngã xuống suối ở Phú Yên khiến cả người cứu và nạn nhân đều tử vong; một du khách đứng trên thác nước chụp ảnh trượt chân ngã tử vong ở Đà Nẵng. Gần đây, 1 du khách nước ngoài bị thương khi cố leo ra mỏm đá "sống ảo" ở Xéo Sà Lủng, xã Pải Lủng, Mèo Vạc (Hà Giang).

"Chụp ảnh trong suốt chuyến đi là quyền của du khách, không ai cấm cản, trừ những nơi có biển cấm quay phim, chụp ảnh. Và có tìm hiểu về lịch sử của điểm đến, của di tích hay đời sống của người dân địa phương nơi đến du lịch hay không cũng là quyền của du khách. Nhưng nếu kết hợp tất cả các yếu tố thì du khách sẽ có một chuyến đi trọn vẹn, ý nghĩa hơn là chỉ chú tâm vào chụp ảnh", anh Nguyễn M.C., hướng dẫn viên du lịch quê ở xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) cho biết.

Cũng theo anh C., ngày nay các công cụ tìm kiếm trên internet rất sẵn. Chỉ với chiếc điện thoại, du khách có thể biết được điểm đến của mình sẽ thế nào, lịch sử ra sao. Cũng có du khách chú ý đến điều này, nhưng phần lớn không quan tâm.

Anh Phạm Tiến Việt, một giáo viên ở Cẩm Giàng khi có thời gian rảnh rỗi thường đưa con đi các điểm du lịch trong tỉnh Hải Dương. Trước mỗi chuyến đi, anh đều nhớ lại kiến thức hoặc mở điện thoại tìm hiểu về điểm đến, để có thể giải thích các câu hỏi hoặc giảng giải cho con. "Tôi cũng thường chụp ảnh cho con làm kỷ niệm để sau này con biết năm mấy tuổi mình đã lần đầu tiên đến đây. Thật tốt nếu trẻ em khi đến một địa điểm cụ thể, như di tích Kiếp Bạc và biết thêm thông tin tại sao đền lại nằm ở vị trí này, tại sao đền lại thờ tướng Trần Hưng Đạo. Đấy cũng là một cách giáo dục về lịch sử, văn hóa rất tốt cho trẻ em", anh Việt cho biết.

Chụp ảnh trong chuyến du lịch có thể coi là "phong cách du lịch" của khách Việt. Thật hiếm để thấy khách Việt đứng lâu trước một tấm biển giới thiệu về khu du lịch, về di tích để đọc thông tin. Trong khi khách tây thì ngược lại, họ cũng chụp ảnh song luôn quan tâm các thông tin xung quanh.

Lấy vợ người Hải Dương, sinh sống và làm việc tại TP Hải Dương nhiều năm nay, anh Nick - một gia sư tiếng Anh cũng thấy rằng nhiều người rất chú trọng chụp ảnh ở các điểm đến. Người dân Nam Phi như anh thường chuẩn bị rất kỹ trước mỗi chuyến du lịch, trong đó có tìm kiếm thông tin. Ví dụ trước khi đến Việt Nam sẽ tìm hiểu những gì về mảnh đất, con người, ẩm thực của họ, xem người dân ở đó sinh sống ra sao, có khác biệt gì. Họ cũng chụp nhiều ảnh nhưng chủ yếu là phong cảnh, một bức tượng, một kiến trúc, chứ ít chụp người. "Ngay vợ tôi cũng thích chụp ảnh. Cô ấy chụp từ lúc lên máy bay đi du lịch cho đến lúc về nhà. Kèm theo dòng trạng thái "Đã về nhà an toàn" là một bức ảnh cô ấy vừa chụp trong chuyến đi", anh Nick cười nói.

 CẨM GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi du lịch hay đi chụp ảnh?