"Cưới nàng anh toan dẫn voi", đồ dẫn cưới của anh to quá, lớn quá. Nhưng không dẫn được, vì voi là đồ quốc cấm. Lý do thật chính đáng mong nàng hiểu cho lòng anh. Anh đành rút xuống dẫn trâu vậy. Nhưng lại sợ phía nhà nàng máu hàn (máu lạnh) ăn thịt trâu độc, anh đành chuyển sang dẫn bò. Cũng không được vì "sợ họ nhà nàng co gân" do ăn thịt bò. Ấy là anh lo cho họ hàng nhà nàng, anh thương họ nhà nàng thôi. Anh yêu nàng, anh rất hào phóng, rất rộng rãi với nàng đấy, anh có ý định dẫn cưới nàng toàn bằng những con vật to, đắt tiền hơn người nhưng không dẫn được vì những lý do khách quan nên ý định tốt đẹp của anh không thực hiện được. Voi, trâu, bò chả dẫn được thì anh đành rút xuống "Dẫn con chuột béo mời dân mời làng" vậy. Từ ý định ban dầu dẫn con voi đến cuối cùng anh dẫn con chuột là một khoảng cách quá xa về giá trị vật chất, về sự sang trọng và cao quý. Đành rằng dân gian ta xưa nay chẳng ai dẫn cưới bằng voi, nhưng nếu có dẫn bằng trâu, bằng bò thì còn chấp nhận được chứ có đời thuở nào lại dẫn cưới bằng chuột bao giờ? Nghe rất tức cười. Không biết thế gian này từ đông chí tây, từ cổ chí kim có nơi đâu dẫn cưới bằng con vật kỳ quái ấy không? Cho nên gọi là dẫn cưới mà là chả dẫn gì. Đúng là "Mười voi không được bát nước xáo". Lợn gà là những thứ mà đám cưới nào cũng cần thì anh lại cố lảng tránh. Anh lạ thật đấy!
Câu đáp của cô gái rất hóm hỉnh: "Người ta thách lợn, thách gà". Câu này nhằm gợi ý khéo cho chàng trai. Nhưng nếu chàng lảng tránh không muốn dẫn lợn, dẫn gà thì cô gái cũng không thách lợn thách gà, mà lại thách một thứ rất độc đáo nhằm giảm nhẹ cho chàng, đó là thách "một nhà khoai lang". Một nhà khoai lang thì to tát lắm, số lượng nhiều lắm. Nhưng thôi, gồm cả củ sứt, củ mẻ, củ rím, củ hà cũng được. Và xưa nay có đám cưới nào lại thách khoai lang đâu. Cho nên gọi là thách cưới mà chả thách gì.
Lệ thường thì nhà gái lên tiếng thách cưới trước, nhà trai mới có lời xin dẫn cưới sau. Ở bài ca dao này thì không thế. Chàng trai tự xin "dẫn con chuột béo" trước. Nghĩa là anh ta áp đặt. Rồi nàng mới thách "một nhà khoai lang" sau...
Ta có thể hình dung ra đây là một cuộc đối đáp của một đôi trai gái đã quá đỗi yêu nhau, thương nhau. Họ đang ngồi bên nhau để bàn chuyện cưới. Chưa biết nàng thách gì, chàng đã "láu cá" áp đặt trước. Lời chàng nghe hay hay vui vui, lời đáp của nàng nghe ngồ ngộ là lạ. Xem ra ý hợp tâm đầu. Sau lời cuối của chàng "Dẫn con chuột béo mời dân mời làng" là một chuỗi cười vui thì sau lời của nàng: "Em đây xin thách một nhà khoai lang" cũng là một chuỗi cười tươi. Chàng cười vui, nàng cười tươi. Hai người cùng vui vẻ, thoải mái. Đám cưới giản dị của họ nhất định sẽ được tổ chức vào một ngày không xa.
NGÔ VĂN HIỂU
Cưới nàng anh toan dẫn voi Cưới nàng anh toan dẫn voi |