Nghe tin con gái sẽ dự đám cưới người yêu cũ, mẹ Phương Linh lập tức gọi điện, phê phán cô "suy nghĩ không bình thường".
"Chia tay là hết, vấn vương nhau làm gì mà còn đòi đến đám cưới", bà nói rồi liệt kê một loạt lý do nhằm ngăn cản ý định của con như bẽ bàng ra sao khi gặp lại người nhà họ; cảm xúc yêu thương ùa về; nếu đi là còn quan tâm tới chú rể.
Dù bị phản đối, nhưng Phương Linh, 27 tuổi, sống tại Hà Nội vẫn quyết định đến dự. Cô cho rằng chẳng có gì đáng băn khoăn vì đó là chuyện của quá khứ, hết yêu thì thành bạn. Tuy nhiên Linh cũng thừa nhận tình bạn này khá kỳ lạ, lặng lẽ bên đời nhìn cuộc sống của nhau, không ý kiến, không xen ngang, chỉ âm thầm chúc phúc.
Linh và Nguyên (người yêu cũ) là bạn thời đại học. Họ bắt đầu hẹn hò sau buổi team building của lớp, được cử một trò chơi ghép đôi. Nguyên là chàng trai điềm tĩnh còn Linh hoạt ngôn, tình yêu sinh viên bốn năm để lại nhiều kỷ niệm đẹp. Sau khi tốt nghiệp, chàng trai muốn về quê lập nghiệp còn cô gái thích ở lại thành phố. Cả hai đồng thuận chia tay và cho rằng đó là cách tốt nhất để mỗi người theo đuổi lý tưởng của riêng mình.
Vì là bạn cùng lớp, họ vẫn gặp nhau trong những buổi họp lớp, hội khóa. Những ngày quan trọng như sinh nhật, 8.3 hay 20.10, Linh vẫn nhận được tin nhắn chúc mừng từ Nguyên. Bởi vậy, khi nhận được lời mời, cô thấy thoải mái và xác nhận tham gia vì cho rằng, đó là đám cưới của bạn cũ.
Thuộc thế hệ Gen Z, Hoàng Long, sống tại Biên Hòa, Đồng Nai cho rằng bản thân suy nghĩ khá cởi mở khi đối diện với người yêu cũ. Nhận được thông tin gì từ cô, anh cũng thoải mái đón nhận mà không có suy nghĩ tiêu cực, ngay cả khi được mời đám cưới. Với Long, nếu bạn gái cũ cảm thấy thoải mái khi mời, không có lý do gì lại từ chối, bởi cả hai đều đã có cuộc sống mới.
"Không có cảm giác chạnh lòng hay vương vấn, tôi chỉ thấy vui và hạnh phúc vì cô ấy đã tìm được một người yêu thương mình". Long cho hay, nếu không đến dự đám cưới chẳng khác nào thừa nhận vẫn còn tình cảm với người ta, tham gia một chút rồi ra về, như vậy vừa hợp tình vừa hợp ý.
Đám cưới là một sự kiện trang trọng, đánh dấu cột mốc mới trong cuộc đời của cô dâu chú rể, không nên trở thành cơ hội nuôi dưỡng những hành động oán giận từ người yêu cũ. Ảnh minh họa: Businesstoday.com.tw
Phương Linh và Hoàng Long thuộc 50% trong hơn 700 độc giả muốn tham dự lễ cưới của người yêu cũ nếu được mời trong một cuộc khảo sát tháng 3.2023. Trong số những lý do tham gia, 41% người được hỏi coi người yêu cũ như bạn bè, 9% còn lại tò mò về người mới của người yêu cũ và muốn chứng minh bản thân họ đã thay đổi tích cực thế nào hậu chia tay.
Trên thế giới, có nhiều người nổi tiếng từng mời người yêu cũ đến dự đám cưới như hoàng tử Anh - Harry hay ca sĩ Justin Bieber. Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, khi một mối tình chấm dứt và cả hai sẵn sàng đón nhận tình yêu mới, việc gửi thiếp mời hay nhận lời dự đám cưới đều có thể chấp nhận. Tuy nhiên, chỉ nên tham gia khi đôi bên chia tay trong hòa bình, hiện tại không còn cảm giác yêu thương hay nhớ nhung.
"Chỉ khi tình yêu và tình bạn được phân định rõ ràng, hai người có hai lối đi và hai cuộc đời riêng mới nên dự đám cưới của nhau", ông Hòa khẳng định. Nếu một trong hai hoặc cả hai vẫn còn ác cảm về cách mà chuyện tình yêu kết thúc, lời khuyên là không nên đi. Theo ông Hòa, đám cưới là một sự kiện trang trọng, đánh dấu cột mốc mới trong cuộc đời của cô dâu chú rể, không nên trở thành cơ hội nuôi dưỡng những hành động oán giận.
Câu hỏi "Có nên đi đám cưới người yêu cũ không?" xuất hiện khá nhiều lần trên những diễn đàn mạng và thu hút rất nhiều câu trả lời với những ý kiến trái chiều. Điều này cho thấy, không có câu trả lời chung cho mọi người, tất cả phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cá nhân.
Hải Hà, sống tại Nam Định cũng từng tìm kiếm bài viết tương tự trên mạng xã hội sau khi nhận lời mời của người yêu chia tay hai năm trước. Cô thao thức mấy đêm vì nhớ lại chuyện tình xưa cũng như muốn biết vợ tương lai của người cũ như thế nào, có gì hơn mình không? Hơn nữa việc tham dự đám cưới cũng là thời điểm thích hợp để Hà chứng minh, không có anh cô vẫn sống tốt.
"Tôi được khen xinh đẹp, quyến rũ hơn sau chia tay, lại vừa được đề bạt lên chức vụ cao hơn. Quả thực tôi muốn người yêu cũ biết đến việc này", cô thành thật.
Bởi vậy, ngay khi nhận được điện thoại mời cưới, Hải Hà không tiếc tiền sắm cho mình chiếc váy cùng đôi giày hàng hiệu mà theo tiết lộ tiêu tốn cả tháng lương. Trong tưởng tượng của cô, người yêu cũ sẽ đầy tiếc nuối, trong khi Hà có tư thế tự đắc của kẻ chiến thắng.
Nhưng ngay lúc chạm mặt chú rể, những kỷ niệm yêu thương ngày nào bỗng ùa về khiến trái tim cô loạn nhịp. Nhìn thấy cô dâu diện chiếc váy cưới trắng muốt, đẹp như công chúa bước ra từ cổ tích, sự ghen tỵ bỗng dưng xâm chiếm tâm trí. "Đáng nhẽ người đứng bên cạnh anh ấy phải là mình", Hà lẩm bẩm.
Đến khi bài hát "Bức thư tình đầu tiên" được cất lên trước khi cô dâu chú rể bước vào lễ đường, Hà không nén được cảm xúc, vội chui vào toilet đứng khóc. "Đây là bài anh ấy hát tặng tôi trong buổi sinh nhật đầu tiên khi hai đứa yêu nhau", cô gái 29 tuổi nói. Với đôi mắt đỏ hoe, mặt mũi lấm lem son phấn, cô lặng lẽ rời đám cưới dù buổi lễ chưa kết thúc.
Để tránh bị tổn thương như Hà, theo chuyên gia Trịnh Trung Hòa, khi nhận lời mời từ người yêu cũ, cần xác định bản thân còn tình cảm với họ không. Nếu câu trả lời là "Có", ông Hòa khuyên không nên đến dự.
"Không ai muốn đặt mình trong sự tra tấn cảm xúc khi nhìn thấy người mà bạn vẫn còn tình cảm lại cam kết trọn đời với người khác", vị chuyên gia nói.
Ông cũng nhấn mạnh một số tình huống phải suy nghĩ kỹ trước khi nhận lời dự đám cưới người cũ, ví dụ bạn đang trong một mối quan hệ mới. Theo chuyên gia, cần quan tâm tới cảm xúc của người đến sau, chia sẻ kế hoạch dự đám cưới để chứng minh bạn quan tâm đến suy nghĩ của họ. Trường hợp người mới không muốn bạn đi, cần cân nhắc kỹ càng, không nên vì một mối tình thuộc dĩ vãng lại ảnh hưởng đến tình yêu hiện tại. Trong hoàn cảnh này, nhờ người gửi quà hay gọi điện chúc mừng đám cưới là việc có thể làm.
Còn nếu nhận được thiệp mời mà chưa biết đi hay đừng, nên tự đặt câu hỏi: "Động lực đến đám cưới này là gì?". Nếu đến chung vui, coi người cũ như bạn và nghĩ thực sự sẽ có khoảng thời gian thoải mái tại đó, bạn vẫn có thể tham gia. Nhưng nếu cảm thấy khó xử, đang nuôi dưỡng lòng oán hận, thậm chí vẫn còn ôm mộng nối lại tình xưa, tốt hơn hết là bỏ qua. "Dự đám cưới trong tâm thế như vậy, người đến dự bị tổn thương nhiều nhất", ông Hòa khẳng định.
Sau đám cưới người cũ, Phương Linh nói, ngoài việc chung vui với cô dâu chú rể, cô còn thấy nó giống như một giải pháp trị liệu tinh thần. "Thời gian chữa lành mọi vết thương, nhìn người cũ hạnh phúc không phải là điều gì quá khó khăn. Đó cũng là cách để chúng tôi gỡ bỏ những bối rối trong mối quan hệ khó gọi tên ấy", cô nói.
Dự đám cưới người yêu cũ hay không, theo Linh, mỗi người sẽ tự có quyết định của riêng mình. Nhưng quyết định đó không nên gây ảnh hưởng xấu và tiêu cực đến hạnh phúc hiện tại. Bởi, hiện tại mới là quan trọng nhất.
Theo VnExpress