Di ảnh thiêng liêng

08/04/2014 17:29

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một người con của quê hương Hải Dương là Đại đội trưởng Hà Văn Nọa đã anh dũng hy sinh.


Di vật duy nhất còn lại liên quan đến người anh hùng ấy là bức ảnh anh thay mặt Đại đội 243 lên nhận cờ "Quyết chiến quyết thắng" trong  lễ xuất quân.



Di vật duy nhất còn lại liên quan đến Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hà Văn Nọa

Di vật thiêng liêng nhất liên quan đến Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa Hà Văn Nọa là tấm ảnh chụp lễ trao cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại đội trưởng 243 - đại đội chủ công thuộc Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, vào trước giờ nổ súng tấn công Điện Biên Phủ chiều 13-3-1954.

Đại đội trưởng Đại đội 243 Hà Văn Nọa, quê ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang). Hai mươi tuổi, người thanh niên yêu nước gia nhập Vệ Quốc quân, tham gia chiến dịch Thu Đông 1947, rồi cùng Tiểu đoàn 11 hoàn thành xuất sắc trận đánh công kiên đồn Phủ Thông (Bắc Cạn) năm 1948. Từ đó, Tiểu đoàn 11 mang tên Tiểu đoàn Phủ Thông nổi tiếng. Sang năm 1949, tiểu đoàn đánh các trận lẻ tẻ. Năm 1950 lại cùng Đại đoàn 312 tham gia chiến dịch Biên Giới. Từ năm 1951, đơn vị tham gia chiến dịch Trung Du rồi chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chiến dịch Hà Nam Ninh... Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, người chiến sĩ ấy đã trải qua hàng chục trận đánh, bị thương và mất cánh tay phải. Tuy là một thương binh, anh vẫn kiên quyết xin ở lại chiến đấu. Còn lại cánh tay trái nhưng với sức trai trẻ dồi dào lại cùng võ nghệ cao cường được học tập từ thuở còn niên thiếu, Hà Văn Nọa đã trở thành Đại đội trưởng Đại đội 243 Tiểu đoàn Phủ Thông anh hùng. Là người gan dạ lại giàu óc quan sát thực tế, chính anh đi trinh sát cứ điểm Him Lam và phát hiện ra kế hoạch tác chiến ban đầu có chỗ còn sơ hở. Rằng, tiến vào Him Lam phải bám sát vào con đường mòn giữa cứ điểm 1 và 2, phải đi đến khi nào có mô đất hình yên ngựa rồi tiến sang tay phải mới bảo đảm chắc chắn cho Tiểu đoàn 11 tiến đánh trúng cứ điểm 1 cùng Tiểu đoàn 428 tiến đánh cứ điểm 2.

Vì trời tối nếu không xác định rõ như thế, hai mũi rất dễ chạm súng khi tiến công. Từ cứ điểm 1, bọn Pháp sẽ bắn tạt sang, chắc chắn tổn thất lớn. Đại đội trưởng 243 đã báo cáo với Trung đoàn. Từ Trung đoàn báo cáo lên Đại đoàn và Tư lệnh Mặt trận. Đáng lẽ kế hoạch nổ súng vào Điện Biên Phủ phải từ 17 giờ ngày 11-3 nhưng khi nhận được phản ánh ấy, Tư lệnh mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định cho trinh sát lại. Trong khi trinh sát lại ngày 12-3 ta bắt sống được Thiếu uý Giắc-cơ, hắn khẳng định giữa hai cứ điểm có con đường mòn, lại khai thêm các ổ đề kháng ở Him Lam nhưng hắn khuyên: "Các ngài chớ đụng vào Bê-a chi-xơ (Him Lam), tôi cũng không biết hết các ổ hỏa lực được bố trí rất hiểm…" Giờ khai hỏa được lui về 17 giờ 5  ngày 13-3-1954. Trước giờ mở màn chiến dịch lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" được trao cho Đại đoàn 312. Từ Đại đoàn trao thẳng cho mũi tiến công đột phá là Đại đội 243 mà Đại đội trưởng Hà Văn Nọa có vinh dự thay mặt các chiến sĩ lên nhận cờ.

Bức ảnh chụp gần, người đại đội trưởng quay lưng về phía ống kính, tay phải bị mất chỉ còn ống vải, tay trái áp cán cờ vào ngực. Lá cờ nghiêng về bên phải rõ dòng chữ "Quyết chiến quyết thắng". Trước mặt hình ảnh Chính ủy Đại đoàn 312 Trần Độ đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng về người đồng chí đại đội trưởng với một niềm tin tưởng chiến thắng. Vì thế trong hồi ký của mình ông đã viết: "Đại đoàn làm lễ chào cờ “Quyết chiến quyết thắng” cho Đại đội 243, đại đội chủ công của Trung đoàn 141. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh người đại đội trưởng cụt tay, đội mũ nan bọc vải, choàng lưới gài mấy chùm lá, mặc áo trấn thủ và một ống tay áo bên phải bằng sợi dệt buông thõng xuống. Anh có đôi mắt nghiêm nghị và sắc sảo, gò má cao với nước da dạn dày sương gió. Người đại đội trưởng chủ công ấy tên là Nọa. Tên anh khó gọi, khó nhớ, nhưng khi đã gặp và đã gọi anh một lần thôi thì không bao giờ quên được vì anh đã từng lập nên bao chiến công hiển hách, lừng lẫy trên khắp Đại đoàn về lòng dũng cảm và sự khôn ngoan mưu trí của anh". Nọa ghì chặt lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” vào ngực xúc động nghẹn ngào hứa hẹn: “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”.

17 giờ 5 ngày 13-3, pháo binh ta dội lửa xuống Him Lam, Độc Lập cùng các trận địa pháo của địch. Quân Pháp hoàn toàn bị động. Dứt tiếng pháo, bộ đội ta ào ạt xông lên. Tại cứ điểm 3, chỉ trong một giờ chiến đấu, ta đã hoàn toàn làm chủ vị trí. Đại đội 243 do Đại đội trưởng Hà Văn Nọa chỉ huy đánh chiếm đỉnh cao nhất ở vị trí 1 nhưng địch đã chuyển xuống sát hàng rào để bắn chặn lên. Cuộc chiến giằng co quyết liệt. Tiểu đoàn 11 cắt địch ra từng mảng, đến 22 giờ 30 quân ta hoàn toàn làm chủ Him Lam.

Đợt tấn công lần 2 bắt đầu từ 30-3-1954, Đại đoàn 312 nhận nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm E1, D1, D2, vị trí pháo 210 cùng Tiểu đoàn dù ngụy số 5. Tiểu đoàn 11 được Bộ Chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ thọc sâu giữa đồi E và D để gây rối loạn đội hình địch cùng tiêu diệt trận địa pháo ở chân đồi D. Và Đại đội trưởng 243 lại nhận nhiệm vụ xung kích dẫn đại đội vượt qua quãng đường độc đạo để luồn sâu vào bên trong. Nhận xét và biểu dương về Đại đội 243 thực hiện nhiệm vụ đột phá này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Riêng một đại đội của Tiểu đoàn 11, Đại đội 243 do Đại đội trưởng Nọa chỉ huy đã gây cho địch một bất ngờ lớn. Từ đồi E tiến theo con đường 41, Đại đội 243 đánh xuyên qua Tiểu đoàn dù số 5 rồi chia làm hai mũi, một mũi đánh vào trận địa pháo gây cho chúng nhiều thiệt hại, một mũi đánh vào tiểu đoàn dù thuộc địa số 1. Mặc dù bị tổn thất, các dũng sĩ Đại đội 243 vẫn táo bạo phát triển tới bờ sông Nậm Rốm và gan góc trụ lại trong lòng địch, đương đầu với chúng suốt ngày hôm sau".

Mũi xung kích phát triển tới bờ sông Nậm Rốm do Đại đội trưởng Hà Văn Nọa dẫn đầu. Theo Trung tướng Trần Linh khi ấy là Chính trị viên Tiểu đoàn 11 kể: "Vào khoảng 9 giờ ngày 2-4-1954, chúng tôi liên lạc với Đại đội trưởng Nọa qua vô tuyến điện lúc được lúc mất. Gần 10 giờ nghe anh nói: Chúng tôi đã hết đạn, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng... Xe tăng đang ở trước mặt chúng tôi đây. Thế rồi im lặng. Chúng tôi suy đoán có thể các anh đã chiến đấu giáp lá cà, cũng có thể các anh đã bị xe tăng địch đè nát..."

Hành động anh hùng quả cảm của Đại đội trưởng 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 trong chiến dịch Điện Biên Phủ rất  phong phú qua nhiều kênh thông tin, trước hết là các trang hồi ký của các tướng lĩnh cao cấp, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng hồi ức các đồng đội của ông. Và ảnh chụp lễ xuất quân có giá trị như là một trung tâm gắn kết các thông tin ấy.

Dẫu vậy, anh hùng liệt sĩ Hà Văn Nọa vừa hiển hiện hữu danh lại có nguy cơ rơi vào vô danh, vì mãi đến tháng 12-2004, tức 50 năm sau, anh mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng đợt truy tặng này còn có Đại đội trưởng 360 Tạ Quốc Luật thuộc Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, người bắt sống tướng Đờ-cát-tơ-ri vào chiều 7-5-1954 tại Trung tâm chỉ huy Mường Thanh. Cả hai đều là chiến sĩ của Đại đoàn 312. Đây là hai người anh hùng được truy tặng cuối cùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh hùng Lực lượng vũ trang Tạ Quốc Luật vừa mất cách đó mấy tháng nên con cháu vẫn còn được sống cùng ông những năm tháng cuối đời. Riêng anh hùng liệt sĩ Hà Văn Nọa, hình ảnh anh chỉ còn lại duy nhất là bức ảnh chụp trong buổi lễ xuất quân. Bức ảnh ấy con cháu đâu có được nhìn gương mặt… Và tấm di ảnh trở thành kỷ vật thiêng liêng quý giá.

Bức ảnh được trưng bày tại Phòng Truyền thống của Sư đoàn 312 và được ông Hà Văn Tuyên,  nguyên đại tá Công an nhân dân chụp lại đặt trang trọng nơi ban thờ người cha anh hùng của mình. Đấy là hình ảnh duy nhất còn lại mà ông biết về cha. Bởi khi ông Tuyên mới được mấy tháng tuổi thì cha đã từ biệt gia đình lên đường tòng quân, và cứ thế chiến đấu liên miên không có một dịp nào trở về thăm quê...

NGUYỄN VIỆT THANH

(0) Bình luận
Di ảnh thiêng liêng