Choi Woo Jae, 23 tuổi, từ Hàn Quốc đến Hà Nội du học vì tin rằng sẽ có cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường.
Chàng trai tới từ tỉnh Gyeonggi hiện học năm 3 ngành Việt Nam học, Đại học Hà Nội. Choi học tốt nhiều môn, đạt 9,4 điểm trung bình môn tiếng Việt và 9,7 điểm môn Kinh tế thương mại. Choi hy vọng sau khi tốt nghiệp sẽ xin làm phiên dịch viên hoặc nhân viên văn phòng ở một doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam.
Choi là một trong hơn 45.000 du học sinh nước ngoài từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ đến Việt Nam học tập ở 155 cơ sở giáo dục trong giai đoạn 2016 - 2021, theo Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng trường Đại học Hà Nội tiếp nhận gần 3.000 sinh viên quốc tế từ 46 quốc gia, theo học hệ đại học, sau đại học và đào tạo ngắn hạn.
Trong các du học sinh nước ngoài, 26,6% thuộc diện hiệp định, được chính phủ Việt Nam cấp học bổng theo các điều ước quốc tế. 73,4% ngoài hiệp định, là lưu học sinh được tiếp nhận theo thỏa thuận, hợp đồng đào tạo giữa cơ sở giáo dục Việt Nam với cá nhân lưu học sinh hoặc các tổ chức, cá nhân tài trợ học bổng cho lưu học sinh.
Trung bình hàng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 du học sinh mới tới Việt Nam học tập, trong đó năm 2019 đông nhất với trên 6.300 du học sinh. Do ảnh hưởng của Covid-19, trong hai năm 2020, 2021, Việt Nam tiếp nhận khoảng 3.000 du học sinh mỗi năm. Năm 2021, khoảng 16.000 du học sinh nước ngoài đang theo học tại Việt Nam, giảm 13,5% so với năm 2020.
Du học sinh Lào và Campuchia chiếm phần lớn, gần 80%. Tuy nhiên, người học ở một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản ngày một tăng do mối quan hệ kinh tế với Việt Nam ngày một phát triển.
Sang Việt Nam du học, Choi vừa có thể trải nghiệm văn hóa mới, tập sống tự lập và vừa mở rộng cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo Choi, sinh viên Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vào các doanh nghiệp lớn nếu không tốt nghiệp trường đại học danh tiếng. Chàng trai dự định sống và làm việc lâu dài ở Hà Nội và sớm mua nhà để mời bố mẹ sang Việt Nam sinh sống.
Du học sinh nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu học đại học và các khóa ngắn hạn. Trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khá khiêm tốn. Du học sinh học tiến sĩ chủ yếu là người Lào, Campuchia, một số người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản học ngành Việt Nam học. Ngành này và các ngành như Tiếng Việt, Việt ngữ học, Ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam được xem là ngành "đặc sản" của Việt Nam, theo PGS.TS Trịnh Cẩm Lan, Trưởng khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện cũng dần thu hút được du học sinh học các ngành Kỹ thuật, Kinh tế, chủ yếu theo diện ngắn hạn, dưới một năm và không lấy bằng.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết đa phần sinh viên quốc tế đến Bách khoa du học ngành Kỹ thuật, theo diện trao đổi ngắn hạn.
Theo số liệu từ Phòng Hợp tác đối ngoại của trường, năm 2019 trường tiếp nhận tổng 359 sinh viên quốc tế. Năm 2020, con số này là 203. Năm 2021, dù dịch Covid-19, có đến 600 sinh viên quốc tế tham gia các chương trình trao đổi hình thức trực tuyến; trong khi số theo học chính quy tại trường là 149. Đầu năm 2022, khi mở cửa trở lại, 60 du học sinh đã đến trường học tập.
Ông Điền cho biết nhà trường có chiến lược quốc tế hóa, trong đó lấy trao đổi sinh viên với các trường quốc tế làm trọng tâm. "Muốn sinh viên thế giới sang Việt Nam du học, chắc chắn trường đại học phải có sức hút. Đây là điều khó nhất", ông Điền nói.
Để thu hút sinh viên quốc tế, ông Điền cho rằng không thể thiếu hai yếu tố: học phí cạnh tranh và xếp hạng đại học. Nếu không theo diện học bổng, sinh viên quốc tế đến Bách khoa đóng học phí bằng 1,5 lần so với học phí của sinh viên Việt Nam, mức "tương đối dễ chịu so" với các nước. Trường cũng đang sửa ký túc xá để hỗ trợ chỗ ở cho du học sinh.
Theo khảo sát năm 2021 của Cục Hợp tác quốc tế với gần 1.000 sinh viên quốc tế tại Việt Nam, đa số hài lòng về điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất và sự quan tâm của các thầy cô giáo.
Với Choi, nếu học ở Hàn Quốc cao, mỗi năm nam sinh này tốn khoảng 100 triệu đồng học phí, trong khi học phí ở Việt Nam bằng một nửa, 50,5 triệu đồng. Mỗi tháng, Choi chi tiêu thoải mái cho sinh hoạt hết 7-8 triệu đồng.
Đại học Bách khoa Hà Nội có thứ hạng cao nhất Việt Nam về Kỹ thuật - Công nghệ và đứng thứ 360 thế giới, theo xếp hạng của QS năm 2022. Đây là lý do, không ít sinh viên nước ngoài cố gắng "săn" được một suất học ngành Kỹ thuật tại trường.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học quốc gia Hà Nội, cơ sở giáo dục có sinh viên quốc tế từ 74 nước, khẳng định "thứ hạng ngày càng tăng lên, bằng cấp của trường ngày càng có giá trị".
Ngoài xếp hạng chung của trường, sinh viên cũng quan tâm đến xếp hạng các lĩnh vực, ngành học. Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội có ba nhóm lĩnh vực được xếp hạng là Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering & Technology) xếp thứ 386, Khoa học tự nhiên (Natural Sciences) xếp thứ 401- 450 và Khoa học xã hội và Quản lý (Social Science & Management) xếp thứ 451-500.
Học phí đối với sinh viên quốc tế của trường dao động khoảng 50-100 triệu đồng một năm. "Đây là mức rất rẻ và cạnh tranh so với thế giới", ông Đức nói.
Học phí của Universidad Técnica Tederico Santa María (USM), Chile, trường đồng xếp hạng 386 với Đại học Quốc gia Hà Nội về ngành Kỹ thuật và Công nghệ, lên đến 4,5 tỷ đồng một năm.
Ông Đức nhấn mạnh muốn thu hút sinh viên quốc tế, quan trọng nhất phải có nhiều chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Hiện, một số đại học lớn của Việt Nam đã tập trung đa dạng hoá chương trình đào tạo bằng ngoại ngữ. Tại Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, 100% các chương trình của trường đào tạo bằng tiếng Anh.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 15 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh như Kỹ thuật Cơ điện tử; Kỹ thuật ôtô; Khoa học và kỹ thuật vật liệu; Kỹ thuật điều khiển - tự động hóa; Kỹ thuật điện tử - viễn thông. Ngoài ra, trường có 5 chương trình đào tạo bằng tiếng Việt, tăng cường ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Nhật). Trường Đại học Ngoại thương hiện có 13 ngành giảng dạy bằng ngoại ngữ như Kinh tế, Marketing, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh nước ngoài giai đoạn 2016-2021 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2022-2030 hồi tháng 8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, cho rằng giai đoạn 2022-2030, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế. Ngoài học tập, lưu học sinh nước ngoài còn trở thành đại sứ văn hoá, cầu nối tình hữu nghị.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, sinh viên quốc tế đến Bách khoa du học làm tăng thêm tầm ảnh hưởng và thương hiệu của trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tân, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế - Đại học Hà Nội cho biết, việc thu hút được gần 3.000 sinh viên quốc tế đến từ 46 quốc gia góp phần nâng cao uy tín của nhà trường cũng như mang lại lợi ích kinh tế thiết thực. Sinh viên quốc tế chiếm 5% trên tổng sinh viên, đóng góp từ 8-10% vào tổng thu của nhà trường.
"Không thể phủ nhận, nguồn thu như vậy rất quý đối với các cơ sở giáo dục đang thực hiện tự chủ", ông Tân chia sẻ.
Theo VnExpress