Dự kiến phát 30 vạn ấn ở lễ khai ấn đêm 14 rạng sáng 15 tháng giêng tại đền Trần, TP Nam Định; ban tổ chức "đề nghị bà con bình tĩnh, tránh những đám đông hiếu kỳ bất chợt".
Thông tin được ông Nguyễn Đức Bình - trưởng Ban quản lý di tích đền Trần - chia sẻ bên lề họp báo thông tin về Lễ hội khai ấn đền Trần xuân Giáp Thìn, diễn ra tại TP Nam Định chiều 26/1.
Như các năm, lễ khai ấn đền Trần được tổ chức vào đêm 14 tháng giêng, dành riêng cho các đại biểu.
Lễ phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương sẽ được bắt đầu từ 5h sáng hôm sau, ngày rằm tháng giêng, tại ba nhà Giải Vũ và nhà trưng bày đền Trùng Hoa.
Ông Bình nói lễ khai ấn năm nay diễn ra vào dịp cuối tuần, dự đoán lượng du khách rất đông.
"Ban tổ chức sẽ cố gắng đảm bảo lượng ấn để nhân dân có thể nhận được lộc ấn", ông cho hay.
Trưởng Ban quản lý di tích đền Trần nhắn nhủ tới bà con: "Không nhất thiết vội vã đến mức cứ phải tập trung rất đông người vào đêm 14 rạng sáng 15".
Ban tổ chức đề nghị "bà con bình tĩnh, tránh tình trạng những đám đông hiếu kỳ bất chợt, gây nên tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng tới an toàn, an ninh - trật tự của lễ hội".
Theo ông Bình, ban tổ chức sẽ phục vụ nhân dân và du khách tất cả những nhu cầu, từ dâng hương, dự lễ đến nhận ấn ngọc đầu xuân trong các ngày từ 13 đến 15 tháng giêng và cả những ngày sau đó trong tháng giêng.
Ở mùa lễ hội năm ngoái, theo ghi nhận, suốt thời gian nghi lễ chỉ có các đại biểu và nhà báo được tiếp cận khu vực kiệu ấn.
Dù đã có hàng trăm công an bảo vệ tại các vòng thì khu vực này, hàng chục công an, cảnh sát cơ động vẫn được bố trí xung quanh, ít nhiều gây nên cảm giác ngột ngạt.
Tránh tình trạng lộn xộn từ những năm trước đây, công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các mùa lễ hội sau là cần thiết.
Nhưng làm thế nào để người dân tham gia lễ hội với tâm lý thoải mái nhất?
Có hay không việc "vũ trang hóa" lễ hội? Năm nay, công tác đảm bảo an ninh trật tự được ban tổ chức lên phương án ra sao?
Thượng tá Đào Ngọc Dương, Phó trưởng Công an TP Nam Định - cho biết cũng như các năm, năm nay sẽ có khoảng 2.000 cán bộ, chiến sĩ, bảo vệ dân phố… tham gia đảm bảo công tác an ninh trật tự vào đêm khai ấn (từ 18h tối 14 tới khi kết thúc lễ khai ấn đầu năm).
Đại diện Công an thành phố nói: "Công tác bảo vệ kiệu ấn ngọc đòi hỏi sự nghiêm trang, đảm bảo an toàn cao nhất".
"Chúng tôi cũng sẽ phân công cán bộ, chiến sĩ bảo vệ an toàn cho kiệu ấn, nhưng rút bớt lực lượng một chút so với các năm trước mà vẫn đảm bảo được an toàn", thượng tá Dương trao đổi.
Đại diện Công an thành phố nói thêm: "Chúng tôi sẽ mềm mại hơn trong vấn đề bảo vệ ấn ngọc".
Bà Nguyễn Thị Như - phó chủ tịch UBND TP Nam Định, trưởng ban tổ chức lễ hội - thông tin thêm những năm trước có hiện tượng người dân chen chúc, xô đẩy, chạy theo để xin lộc, khiến cho quá trình rước kiệu ấn không được trang nghiêm, nên năm ngoái lực lượng an ninh mới đưa ra phương án như vậy.
Hằng năm, ban tổ chức thành lập hai đoàn kiểm tra liên ngành xử lý tình trạng ăn xin ở lễ hội và tình trạng đổi tiền lẻ, trông coi phương tiện giao thông không đúng quy định, hàng hóa bán quanh khu vực lễ hội tránh hàng giả, nhái hoặc đồ chơi mang tính bạo lực…
Năm nay, đoàn này sẽ trực từ mùng 1 Tết tới hết 29 tháng giêng.
H.A (Theo Tuổi trẻ)