Hằng năm, cứ vào dịp tháng 7, khắp các địa phương trong cả nước đều sôi nổi diễn ra các hoạt động tri ân người có công với cách mạng, "đền ơn, đáp nghĩa" bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.
Trải qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, cả nước ta đã có hàng triệu người con ưu tú ngã xuống hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường để giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, từ nhiều năm qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước luôn là mối quan tâm đặc biệt và được cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân... ngày càng thể hiện sâu sắc hơn tấm lòng tri ân thông qua những việc làm thiết thực đối với các đối tượng chính sách. Điều đó cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của nhân dân, thực sự trở thành trách nhiệm chung của xã hội trong việc chung tay chăm lo công tác đền ơn, đáp nghĩa.
Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7 và các ngày lễ, Tết hằng năm, các địa phương, cơ quan, đơn vị đều có nhiều hoạt động thiết thực như: hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các trung tâm điều dưỡng thương binh, các đối tượng chính sách tiêu biểu; khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Qua đó động viên, khích lệ tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, giúp họ xoa dịu nỗi đau, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào "đền ơn, đáp nghĩa" còn không ít những vấn đề cần quan tâm giải quyết. Một số nơi do công tác quản lý, giám sát lỏng lẻo còn để xảy ra sai sót đáng tiếc, gây dư luận xấu. Kết quả phong trào ủng hộ Quỹ "Ðền ơn, đáp nghĩa", xây dựng "nhà tình nghĩa" không đồng đều giữa các địa phương; một bộ phận thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống...
“Ðền ơn, đáp nghĩa” không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm, tấm lòng, sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những người có công với cách mạng, với đất nước. Ðể phong trào "đền ơn, đáp nghĩa" đi vào chiều sâu, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn, đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát động và kêu gọi các cấp, ngành, toàn thể nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài tích cực hưởng ứng thực hiện phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, thể hiện sự tri ân sâu sắc với những người đã đóng góp máu xương cho sự nghiệp dựng xây, bảo vệ Tổ quốc. Việc thực hiện phong trào cần sâu sắc, thiết thực, tuyệt đối tránh phô trương, hình thức.
NGUYỄN THANH(Báo Quân khu 3)