Những năm gần đây, vào dịp cuối tuần, nhất là dịp đầu xuân, đền Chu Văn An ở phường Văn An (Chí Linh) đón tiếp rất nhiều đoàn học sinh, giáo viên trong cả nước về tham quan, trải nghiệm.
Vào dịp cuối tuần, đền Chu Văn An thu hút nhiều học sinh trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm
Thích thú
Một sáng chủ nhật, dọc đường vào đền thờ thầy giáo Chu Văn An có hàng chục xe ô tô chở học sinh về tham quan, trải nghiệm ngoại khóa ở đây. Trong đó có 2 đoàn học sinh của 2 trường THPT đến từ Thủ đô Hà Nội và đoàn của 1 trường THCS đến từ một huyện trong tỉnh.
Nhìn cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú, rừng thông trùng điệp, nhiều học sinh thích thú tụ tập thành từng tốp lấy điện thoại chụp ảnh. Nhiều em khác đến nơi trưng bày những hình ảnh, tư liệu về nhà giáo Chu Văn An và các di tích gắn với giai đoạn lịch sử thời Trần trong tỉnh để chăm chú đọc, tìm hiểu. Nhiều em đi xin chữ mực son. Cầm trên tay bức chữ viết bằng màu son đỏ, nhiều em mãn nguyện, vui vẻ vì xin được chữ đúng theo mong muốn.
Sau đó, các hướng dẫn viên công ty du lịch của từng đoàn tập hợp đội hình để vào trước sân điện Lưu Quang, nghe nhân viên của đền Chu Văn An giới thiệu về di tích cũng như thân thế, sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An. Khi đoàn học sinh của trường này di chuyển lên đền chính làm lễ dâng hương, đoàn khác lại vào đăng ký làm lễ dâng hương và nghe thuyết minh.
Thầy giáo Phan Trường Giang ở Trường THCS Tiên Động (Tứ Kỳ) cho biết năm nào nhà trường cũng tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa. Đây là lần thứ 2 trường tổ chức cho học sinh ngoại khóa tại đền Chu Văn An, có hơn 200 em tham gia. “Tổ chức ngoại khóa cho học sinh là một hoạt động bổ ích, giúp các em trải nghiệm thực tế và thư giãn sau những giờ học ở trường. Ngoại khóa ở đền Chu Văn An càng có ý nghĩa đặc biệt giúp các em tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, danh nhân của đất nước không có trong sách giáo khoa. Hoạt động trải nghiệm này còn giúp giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, trân trọng đạo học để các em nỗ lực hơn nữa trong học tập”, thầy Giang nói.
Đa số học sinh của Trường THCS Tiên Động đều cảm thấy buổi ngoại khóa này rất bổ ích, lý thú và ý nghĩa. Em Nguyễn Thị Thùy, học lớp 7A cho biết: “Đến đây, được nghe cô hướng dẫn viên của di tích thuyết minh, em biết thêm về cuộc đời, sự nghiệp của thầy giáo Chu Văn An. Nếu không có chuyến ngoại khóa này, em sẽ không biết quê hương Hải Dương mình lại giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục đến vậy. Điều đó sẽ tạo thêm động lực để em vươn lên trong học tập”.
Ngày một đông hơn
Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích Chí Linh cho biết nhiều năm trước đây, đền Chu Văn An rất vắng khách tham quan. Chỉ đến gần mùa thi cử, phụ huynh và học sinh ở Chí Linh mới đến đây cầu mong con em hoặc bản thân học sinh đó thi cử đỗ đạt. Từ khi đền Chu Văn An được đầu tư trùng tu, tôn tạo các hạng mục, xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, lượng du khách đến đây ngày càng đông hơn.
Để thu hút ngày càng nhiều du khách về với di tích, Ban quản lý đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, Ban quản lý khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; cử cán bộ, nhân viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do các cấp tổ chức; mời các chuyên gia về hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng thuyết minh, tổ chức hoạt động ngoại khóa, trò chơi dân gian. Vì vậy, chất lượng phục vụ du khách, nhất là học sinh đến tham quan, trải nghiệm ngày càng tốt hơn.
Giờ đây, học sinh không chỉ đến đền Chu Văn An vào mùa thi cử mà tới đây vào tất cả các tháng trong năm, nhưng đông nhất vẫn là dịp đầu xuân. Năm 2018, có hơn 80.000 lượt học sinh đến tham quan đền. Các em đến đây được trải nghiệm nhiều hoạt động tùy theo yêu cầu của đoàn như dâng hương báo công, kết nạp Đoàn, Đội, khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc, nghe thuyết minh về di tích, danh nhân, tổ chức trò chơi dân gian, các cuộc thi kiến thức “Rung chuông vàng”, xin chữ…
NGUYỄN VIỆT