Việc công bố số ca COVID-19, gồm cả F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ hàng ngày tại Việt Nam còn phù hợp trong tình hình mới?
Những ngày gần đây, dù số ca COVID-19 ở Việt Nam mỗi ngày luôn ở mức cao, dao động từ 15.000 đến 17.000 ca/ngày, nhưng so với đợt dịch cao điểm trước, bệnh nhân nặng và tử vong đã giảm. Đặc biệt là điểm nóng dịch TP Hồ Chí Minh, số bệnh nhân tử vong trong ngày không còn ở mức ba con số như hồi tháng 8.2021. Bên cạnh đó, bệnh nhân nặng không quá cao, trong khi tỷ lệ phủ vaccine lớn.
Trong điều kiện như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam nên tập trung thông tin F0 nặng, nguy kịch, nhóm nguy cơ cao, dễ tử vong; việc công bố số ca COVID-19 (bao gồm cả F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ) hàng ngày tại Việt Nam không còn phù hợp trong tình hình mới.
Việc công bố số ca COVID-19 hàng ngày liệu còn mang nhiều ý nghĩa?
“Đếm ca” còn ý nghĩa?
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, số liệu công bố ca COVID-19 hằng ngày tại Việt Nam không phải số liệu thực tế. Nhiều F0 hiện nay giống như “tảng băng chìm”. Việc công bố số ca mỗi ngày hiện nay chỉ mang tính chất tham khảo là chủ yếu, chứ không phải là yếu tố quyết định tình hình dịch.
Việt Nam đang ở trạng thái bình thường mới, mở rộng phát triển kinh tế, giao thông… thì việc F0 dù tiêm vaccine rồi nhưng vẫn bị lây nhiễm là hoàn toàn xảy ra. Việc tầm soát ca bệnh ở Việt Nam hiện nay cũng không thể như những đợt dịch cao điểm trước.
Vì vậy, ông Sơn cho rằng, số ca COVID-19 hằng ngày nên chỉ là nguồn tham khảo. Còn với năng lực y tế, chúng ta phải chú ý tới số người nhập viện, bệnh nặng và tử vong. Đây mới là vấn đề quan trọng, yếu tố quyết định gánh nặng của ngành y tế.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam bày tỏ, nhiều nước trên thế giới hiện nay không còn quá quan trọng tới số lượng dương tính mỗi ngày nữa, mà họ cố gắng kiểm soát số ca mắc ở ngưỡng không làm cho hệ thống y tế bị quá tải.
Vì vậy, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đều đưa ra chiến lược mới là trạng thái bình thường mới và thích ứng an toàn với dịch bệnh. Với chiến lược này, các nước sẽ chấp nhận không thể sạch hết COVID-19 trong cộng đồng, nghĩa là không thể đưa số ca bệnh trở về 0 tức là “Zero COVID-19”, thay vào đó chỉ khống chế ca bệnh sao cho hệ thống y tế không bị quá tải.
“Nước ta cũng vậy, chúng ta đang từng bước triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, kiểm soát dịch có hiệu quả để không phải giãn cách xã hội kéo dài thêm nữa, và cũng hạn chế được số ca bệnh tử vong vì COVID-19.
Điều chúng ta cần quan tâm không phải là mỗi ngày bao nhiêu ca bệnh mà là số ca phải nhập viện, số ca bệnh nặng hay tử vong đã giảm rất nhiều. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta buông xuôi mà vẫn phải tiếp tục giảm số ca bệnh tới mức thấp nhất có thể”, ông Phu nói.
Chuyên gia cho rằng thay vì thông tin về số ca F0 (bao gồm cả F0 không triệu chứng) mỗi ngày, Việt Nam nên tập trung vào những ca bệnh nặng, nhóm người có nguy cơ.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số liệu thống kê về số ca COVID-19 mới chủ yếu để theo dõi, công bố cho người dân và ngành y tế biết tình hình dịch. Việt Nam không cần phải theo đuổi số ca bệnh không triệu chứng, nên tập trung vào những ca bệnh nặng, nguy kịch hay số người có nguy cơ cao, đe dọa tử vong.
Nên công bố thế nào?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chúng ta vẫn cần theo dõi số ca nhiễm để đánh giá tình hình dịch và đưa ra các biện pháp hạn chế. Nhưng thay vì công bố số người mắc COVID-19 hằng ngày như hiện nay, Việt Nam nên làm theo phương pháp phân biệt rõ 2 khái niệm. Một là, với những người xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Hai là, người có triệu chứng để đưa ra cách báo cáo, theo dõi, điều trị cho từng đối tượng.
“Chúng ta nên thay đổi hình thức thống kê nhưng cần phải phân rõ số người nhiễm và những người mắc bệnh có triệu chứng cần phải chăm sóc y tế, đến bệnh viện. Dựa vào những số liệu này, chúng ta sẽ đưa ra đáp ứng cụ thể và “trúng” hơn trong việc phòng, điều trị hay cấp cứu cho bệnh nhân”, ông Phu nhấn mạnh.
Tăng cường tiêm vaccine COVID-19 cho người dân, đặc biệt là nhóm người già, người nguy cơ cao là một trong những biện pháp giảm rủi ro do dịch bệnh gây ra.
Chung quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP Hồ Chí Minh, cho rằng, Việt Nam chỉ nên công bố số liệu ca bệnh nặng hay lý do những ca bệnh này trở nặng, số ca chưa được tiêm vaccine COVID-19 và số ca nằm trong nhóm nguy cơ.
Việc công bố số F0 trong đó gồm cả những ca bệnh không triệu chứng không còn mang nhiều ý nghĩa.
Theo VTC News