Chất lượng sống thấp, hiểu biết về sức khỏe sinh sản còn hạn chế nên ngày càng nhiều nữ công nhân bị mắc chứng vô sinh hoặc vô sinh thứ phát.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Dương trực tiếp khám, tư vấn cho nữ công nhân
Chương trình điều trị hiếm muộn do Bệnh viện Phụ sản Hải Dương triển khai đã đem lại niềm vui, hy vọng cho nhiều người trong số họ.
Khai hoa nở nhụyTừ đầu năm 2016 đến nay, chương trình chữa vô sinh, hiếm muộn cho nữ công nhân tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh do Bệnh viện Phụ sản Hải Dương triển khai đã mang lại niềm vui cho nhiều gia đình công nhân hiếm muộn.
Đến giờ gia đình chị Nguyễn Thị Thảo, công nhân khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) vẫn ăm ắp niềm vui vì chị vừa sinh thêm một em bé sau 12 năm chờ đợi. Chị Thảo cho biết sau khi sinh bé gái đầu, dù không áp dụng biện pháp tránh thai nào chị vẫn không thể mang thai. Hai vợ chồng chị đã đi khám ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, dùng đủ các loại thuốc từ đông y đến tây y nhưng kết quả vẫn là con số 0. Tháng 4.2016, khi các y, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đến khám, tư vấn cho các nữ công nhân tại khu công nghiệp Phúc Điền, chị đăng ký tham gia khám để thử vận may thêm một lần nữa. Rồi vợ chồng chị cùng lên bệnh viện kiểm tra cụ thể và được bác sĩ chẩn đoán vợ chồng chị bị hiếm muộn thứ phát do lớn tuổi, tinh trùng của chồng yếu. Hai vợ chồng được bác sĩ Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản tỉnh trực tiếp tư vấn, điều trị. Sau hơn 3 tháng điều trị tích cực theo đúng phác đồ, vợ chồng chị đã có tin vui.
Chị Mạc Thị Thúy ở xã Hiến Thành (Kinh Môn), công nhân Công ty May Tinh Lợi (khu công nghiệp Nam Sách) lấy chồng gần 2 năm nhưng chưa có con. Chị cũng đăng ký chương trình do Bệnh viện Phụ sản Hải Dương tổ chức. Chị đã được áp dụng phác đồ điều trị phù hợp để chữa viêm phụ khoa, tử cung có vách ngăn. Chỉ sau hơn 2 tháng điều trị, chị đã mang thai và hiện đã sinh con được gần 2 tháng tuổi.
Từ thời điểm triển khai chương trình tháng 3.2016 đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đã khám cho 1.175 nữ công nhân tại 3 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau khi sàng lọc, có 225 trường hợp cho kết luận vô sinh do nhiều nguyên nhân, cần phải điều trị. Sau thời gian hợp tác điều trị theo chương trình, đến nay đã có trên 30 trường hợp mang thai, một số nữ công nhân đã sinh con.
Tiết kiệm chi phí và thời gianBác sĩ Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Dương cho biết bệnh viện lựa chọn thực hiện chương trình này vì hiện nay số bệnh nhân đến khám vô sinh ngày càng đông, trong đó có nhiều người là công nhân lao động. Phần đông số công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp đều là người ở các địa phương khác nên phải ở trọ, chất lượng cuộc sống không cao. Thu nhập của nữ công nhân còn thấp. Khả năng tiếp cận các thông tin về sức khỏe sinh sản còn hạn chế.
Khi triển khai chương trình này, các y, bác sĩ của bệnh viện đến tận các khu công nghiệp để khám sàng lọc cho các nữ công nhân. Qua khám sàng lọc, nhiều nguyên nhân gây vô sinh đã được các bác sĩ chỉ rõ như tỷ lệ viêm nhiễm phụ khoa cao, các bệnh về vòi trứng, bệnh lý ở tử cung, rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng của việc dùng thuốc tránh thai, các loại thuốc giảm cân, thuốc kháng sinh… Các trường hợp bị viêm nhiễm phụ khoa, rối loạn nội tiết, buồng trứng đa nang, bệnh nhân được cấp thuốc điều trị miễn phí. Các trường hợp phải can thiệp tại bệnh viện như thụ tinh nhân tạo được hỗ trợ một phần kinh phí. Còn với những trường hợp phải sử dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, bệnh viện sẽ phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương để can thiệp, làm thủ thuật trong thời gian sớm nhất. Qua đó giúp bệnh nhân tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Tham gia chương trình này, tất cả các nữ công nhân đều được Giám đốc Bệnh viện trực tiếp khám và tư vấn sức khỏe sinh sản. Trong suốt quá trình điều trị, dù là điều trị tại cộng đồng, các bệnh nhân đều được các y, bác sĩ của bệnh viện quan tâm thăm hỏi định kỳ. Bác sĩ Nguyễn Xuân Huy cho biết: "Chương trình này không chỉ có ý nghĩa về mặt xã hội, mang lại niềm vui cho các nữ công nhân hiếm muộn mà còn có ý nghĩa thiết thực với bệnh viện để có thêm kinh nghiệm trong điều trị vô sinh. Đây là cơ hội để bệnh viện nghiên cứu thực tiễn, tìm ra các nguyên nhân cụ thể của chứng vô sinh, từ đó nâng cao chất lượng chữa trị vô sinh, hiếm muộn cho các nữ công nhân nói riêng, các đối tượng hiếm muộn nói chung". Chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện trong các năm tiếp theo nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các gia đình hiếm muộn.
HẠNH DUYÊN