Theo thời gian ghi ở dưới, thì bài thơ ra đời cách đây 43 năm, nhưng giờ đọc lại vẫn không có cảm giác gì là cũ. Ngay cả câu cuối cùng “Ngoài kia nòng pháo ướt đầm sương khuya” cũng không hề cũ chút nào, vì bao giờ và ở đâu mà chẳng có quân đội bảo vệ vùng đất vùng trời Tổ quốc. Nhưng giá trị của “Đêm Côn Sơn” không chỉ ở đấy, mà sâu sắc và đi vào lòng người hơn, là ở những nét ký họa thơ giàu liên tưởng và gợi mở trong mỗi câu, mỗi chữ.
Ngay câu mở đầu: “Tiếng chim vách núi nhỏ dần” đã cho người đọc cùng một lúc cảm nhận ra trời đang ngả vào đêm, chim đã đi về tổ nên tiếng hót cũng nhỏ, thưa dần. Một khi trời về đêm thì tiếng suối nghe càng rõ, càng tách bạch hơn ban ngày, nên dễ dàng phân biệt ra tiếng rì rầm khi gần, khi xa. Chỉ với hai câu mở đầu nhà thơ đã cho người đọc cảm nhận rõ cảnh đêm tĩnh mịch nơi rừng núi thâm nghiêm lặng lẽ đến vô cùng. Như để minh chứng cho sự tĩnh lặng ấy, hai câu tiếp theo, nhà thơ mang đến cho người đọc sự cảm nhận cụ thể, không chỉ nhìn thấy được, mà còn cảm giác rất rõ hình thể và độ rơi nữa: “Ngoài thềm rơi cái lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Câu sáu “Ngoài thềm rơi cái lá đa” mới như chỉ dẫn, cảnh báo: có cái lá đa rơi ngoài thềm kìa; nhưng sang câu tám “Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” thì đã cho người đọc thấy cả hình dáng cái lá “rất mỏng” và độ rơi của nó là “rơi nghiêng”, bỗng như tôn lên rất nhiều sự thâm nghiêm, tĩnh lặng của chốn linh thiêng Côn Sơn mà dẫu người đọc chưa đến Côn Sơn cũng có thể cảm nhận được. Chỉ với hai từ “mỏng” và “nghiêng” trong câu tám, nhà thơ đã như thổi vào câu thơ cái hồn, chắp cho câu thơ cái cánh để bay lên với sức sống trường tồn. Thơ tinh tế và sâu đằm như thể không còn sự tinh tế, sâu đằm nào hơn. Sau câu thơ như có thần ấy, nhà thơ đi vào đặc tả cảnh đêm Côn Sơn với những nét rất thực, trong đền thì “ông bụt ngồi yên lưng đền”, nhưng lại như mơ khi thấy “Bỗng đâu vang tiếng sấm rền” mà tỉnh ra lại chỉ thấy “trong đền đỏ hương”. Nhưng bỗng tiếng chuông thỉnh lên trong chùa nghe lơ lửng như mãi ngang trời thẳm trên kia, làm cho rừng, không phải rừng hiện thời, mà là “rừng xưa” cũng nổi gió, còn suối thì tuôn ào ào và đồi thông thì sáng bừng lên dưới ánh trăng. Sự chuyển vận đất trời nơi núi rừng Côn Sơn, hay giấc mơ thần diệu của nhà thơ khi đặt chân tới chốn linh thiêng này? Có lẽ là cả hai. Khi ta đọc cả khổ thơ:
Ngang trời kêu một tiếng chuông
Rừng xưa nổi gió, suối tuôn ào ào
Đồi thông sáng dưới trăng cao
Như hồn Nguyễn Trãi năm nào
về thăm
Em nghe có tiếng thơ ngâm…
Quả là trong thực có mơ, trong mơ có thực. Qua thơ Trần Đăng Khoa, ta thấy Nguyễn Trãi không chỉ hiện về mà Danh nhân như vẫn sống hiển hiện với đất trời, rừng xanh, suối trong, không chỉ ở chốn linh thiêng Côn Sơn, mà khắp mọi miền đất nước. Bài thơ như bức ký họa với những nét đặc tả rất gợi và đằm sâu suy nghĩ, liên tưởng trong người đọc.
TRẦN ĐĂNG KHOA Đêm Côn Sơn Tiếng chim vách núi nhỏ dần Rì rầm tiếng suối khi gần, khi xa Ngoài thềm rơi cái lá đa Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng Mờ mờ ông bụt ngồi nghiêm Nghĩ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền… …Bỗng đâu vang tiếng sấm rền Tỉnh ra em thấy trong đền đỏ hương Ngang trời kêu một tiếng chuông Rừng xưa nổi gió, suối tuôn ào ào Đồi thông sáng dưới trăng cao Như hồn Nguyễn Trãi năm nào về thăm Em nghe có tiếng thơ ngâm… Ngoài kia nòng pháo ướt đầm sương khuya… |