Hiện biến thể Delta đang là biến thể gây ra phần lớn các ca nhiễm COVID-19 được phát hiện tại điểm nóng dịch bệnh của Malaysia là Thung lũng Klang.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại bang Selangor, Malaysia
Ngày 6.8, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Malaysia Hishamshah Mohd Ibrahim cho biết biến thể Delta đã trở nên phổ biến, dẫn tới sự gia tăng số ca mắc COVID-19 tại nước này.
Tại Kuala Lumpur, phát biểu tại cuộc họp báo do Bộ Y tế Malaysia tổ chức, ông Hishamshah cho biết từ kết quả giải mã trình tự gene được Viện Nghiên cứu y học (IMR) và các phòng thí nghiệm khác thực hiện, biến thể Delta đã trở thành dòng virus lây nhiễm chính tại nước này.
So với chủng virus ban đầu với tỷ lệ lây nhiễm chỉ là 2,5, biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn nhiều khi một người có thể lây nhiễm cho 8 người.
Ông Hishamshah nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 là virus mới, do đó các biện pháp giảm số ca nhiễm sẽ rất khác và mất thời gian.
Hiện biến thể Delta đang là biến thể gây ra phần lớn các ca nhiễm COVID-19 được phát hiện tại điểm nóng dịch bệnh là Thung lũng Klang (gồm bang Selangor, lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur và một phần bang Nigeri Sembilan).
Tuy nhiên, cùng với việc tăng tốc tiêm chủng, dự kiến số ca mắc COVID-19 tại đây có thể giảm xuống vào cuối tháng này, nhưng vẫn cần thời gian và quan trọng nhất là giảm số ca bệnh nặng.
Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Trương Chí Cường chỉ rõ vì năng lực xét nghiệm có hạn, nước này không thể làm giống như một số nước khác là xét nghiệm COVID-19 quy mô lớn để truy vết các ca mắc không triệu chứng.
Ông Trương Chí Cường cho biết xét nghiệm quy mô lớn đòi hỏi phải hoàn thành trong thời gian ngắn, khoảng 1-2 tuần, nhưng năng lực xét nghiệm của Malaysia không thể đáp ứng được điều này.
Hơn nữa, xét nghiệm quy mô lớn phải làm liên tục, chẳng hạn 1 tháng hoặc 2 tháng thực hiện 1 lần. Do đó, về lâu dài, Malaysia không thích hợp để tiến hành xét nghiệm quy mô lớn.
Ông Trương Chí Cường cho biết thêm virus đã ở trong cộng đồng. Dù xét nghiệm tất cả mọi người, khả năng đa số được phát hiện là mắc COVID-19, nhưng đều không có triệu chứng.
Chính sách của Bộ Y tế Malaysia là tiến hành xét nghiệm đối với những người có triệu chứng, với mong muốn sớm phát hiện người nhiễm để điều trị và tránh tử vong. Vì thế, ngành y tế Malaysia tập trung vào nhóm có triệu chứng, chứ không phải là số ca nhiễm.
Theo ông Trương Chí Cường, khi trên 40% dân số hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ thấy tác dụng của vaccine. Do vậy, trọng tâm hiện nay là điều trị các bệnh nhân nặng mức độ 4 và mức độ 5, đồng thời điều trị cho bệnh nhân mức độ 3 càng sớm càng tốt để ngăn không cho bệnh tình của họ diễn biến xấu chuyển sang mức độ 4 và 5.
Tại Lào, cùng ngày, Bộ Y tế nước này cho biết trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 267 ca mắc mới COVID-19, trong đó 257 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 10 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Như vậy, số ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận trong một ngày tại Lào vẫn ở mức hai con số. Đến nay, tổng số ca mắc COVID–19 tại Lào đã tăng lên 7.778 ca, trong đó có 7 người tử vong.
Tại Vientiane, trước tình hình số người mắc COVID-19 tại Lào liên tục tăng trong thời gian gần đây, chủ yếu là lao động Lào trở về từ các nước láng giềng, chính phủ chỉ đạo tiếp tục phong tỏa thủ đô Vientiane.
Một số địa phương cũng tuyên bố thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 như Savannakhet, Luang Prabang, Bokeo...
Lào cũng đang mở rộng các cơ sở cách ly để tiếp nhận số lượng lớn người lao động trở về nước, tổ chức cách ly tập trung thêm 14 ngày đối với lao động về nước vừa hoàn thành thời gian cách ly ở các trung tâm tại các tỉnh biên giới.
Trong một diễn biến liên quan khác, Lào vừa tiếp nhận hơn 600.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca do Chính phủ Nhật Bản viện trợ thông qua chương trình COVAX nhằm giúp đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này.
Theo TTXVN