Giáo dục

Đề xuất trường quân đội được tuyển sinh hệ dân sự

Theo VnExpress 14/12/2023 09:59

Bộ Quốc phòng đề xuất 8 cơ sở trực thuộc được tuyển sinh hệ dân sự, nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao, tránh lãng phí nguồn lực sẵn có.

Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Lê Huy Vịnh chia sẻ tại Học viện Kỹ thuật Quân sự chiều 13/12. Ảnh: Dương Tâm

Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Lê Huy Vịnh chia sẻ tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, chiều 13/12

Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với Học viện Kỹ thuật Quân sự chiều 13/12, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ Bộ Quốc phòng tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thay vì chỉ phục vụ riêng quân đội như hiện nay.

Từ năm 2002, các trường quân đội đã tuyển sinh được hơn 93.000 sinh viên hệ dân sự ở các trình độ. Đến năm 2017, theo nghị quyết 19, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, các trường quân đội từng bước giảm dần và đến năm 2021 dừng hẳn tuyển sinh hệ dân sự. Việc này nhằm thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức các đơn vị quân đội, khắc phục tình trạng có trường đào tạo hệ dân sự gấp nhiều lần hệ quân sự, nhưng đội ngũ cán bộ giảng dạy vẫn là của quân đội.

Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi các trường quân đội đủ điều kiện và có thế mạnh ở nhiều ngành, Bộ Quốc phòng đang hoàn thiện đề án tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại một số cơ sở đào tạo.

Ông Vịnh cho rằng điều này phù hợp và cần thiết bởi đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đất nước là chức năng của Bộ Quốc phòng, được quy định trong Luật Quốc phòng. Việc này cũng giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giúp phát triển toàn diện các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu trọng điểm của Bộ Quốc phòng. Học viên, sinh viên ngoài được lĩnh hội kiến thức chuyên môn còn được rèn thể chất, tác phong, kỷ luật quân đội.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết đề nghị 8 cơ sở giáo dục được mở rộng tuyển sinh. Trong đó, Học viện Chính trị đào tạo các ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, khoa học giáo dục và đào tạo. Học viện Quân y, Viện Y học cổ truyền quân đội, Viện nghiên cứu khoa học Y dược lâm sàng 108 đào tạo khối ngành sức khỏe.

Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự đào tạo khối ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ. Học viện Khoa học Quân sự đào tạo các ngành ngôn ngữ, văn học, văn hóa. Còn Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đào tạo các ngành văn hóa, nghệ thuật.

Theo ông Vịnh, Bộ Quốc phòng chỉ đưa ra đề xuất với những lĩnh vực có thế mạnh đào tạo. Ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng góp ý kiến để đề án của Bộ Quốc phòng sớm được thông qua.

Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự nêu đều xuất tại buổi làm việc với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Dương Tâm

Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự nêu đề xuất tại buổi làm việc với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo

Thiếu tướng Trần Xuân Nam, Phó giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, cho biết học viện luôn sẵn sàng đào tạo hệ dân sự đối với các chuyên ngành kỹ thuật gắn liền với công nghệ nền, cuộc các mạng lần thứ tư và các lĩnh vực ưu tiên của nhà nước và quân đội. Giai đoạn 2002-2018, học viện đã đào tạo khoảng 9.500 học viên các trình độ.

"Từ khi dừng tuyển sinh hệ dân sự vào năm 2019, học viện chịu những tác động không tích cực, nhất là khả năng giao lưu, hội nhập với các trường đại học, học viện trong hệ thống giáo dục quốc dân và các trường quốc tế", ông Nam nói.

Học viện Kỹ thuật Quân sự hiện có khoảng 1.100 cán bộ, giảng viên, 45% có trình độ tiến sĩ. Về cơ sở vật chất, học viện có 7 khu vực đóng quân, phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học tại Hà Nội, Vĩnh Yên, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai với nhiều phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại. Trong khi đó, mỗi năm học viện chỉ tuyển khoảng 600 học viên. Sau khi trừ số đi học ở nước ngoài, số học viên học tập tại trường chỉ khoảng 350. Trong 15 ngành đào tạo, có những ngành hai năm mới được giao chỉ tiêu một lần.

"Dừng tuyển sinh hệ dân sự là lãng phí về nguồn nhân lực và chưa hiệu quả trong sử dụng hệ thống cơ sở vật chất", ông Nam chia sẻ.

Ngoài ra, đại diện Học viện Kỹ thuật Quân sự mong muốn được tham gia đào tạo kỹ sư thiết kế chip bán dẫn do đủ nguồn lực và có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu ngành này.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (mặc vest) cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng và đại diện Học viện Kỹ thuật Quân sự tham quan một số sản phẩm nghiên cứu khoa học. Ảnh: Dương Tâm

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Học viện Kỹ thuật Quân sự tham quan một số sản phẩm nghiên cứu khoa học

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng với đội ngũ cán bộ, giảng viên rất mạnh như học viện, nếu chỉ đào tạo rất ít học viên, môi trường đào tạo sẽ thiếu sức sống, động lực để phát triển. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ giúp phát huy được nguồn lực của học viện.

Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cho rằng Học viện Kỹ thuật Quân sự có nhiều nguồn lực, thế mạnh đào tạo ở các ngành kỹ thuật, công nghệ, những ngành đang được ưu tiên đào tạo hiện nay, trong đó có chip bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo.

"Chúng tôi rất ủng hộ và sẽ trình với Bộ trưởng để đưa Học viện vào danh sách những đơn vị đào tạo nòng cốt trong kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực chip bán dẫn", bà Thủy nói.

"Đề án tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại một số cơ sở đào tạo trong Quân đội" dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới, có thể thực hiện trong quý II năm 2024, tuyển sinh và đào tạo từ năm học 2024-2025.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất trường quân đội được tuyển sinh hệ dân sự