Cuối giờ làm việc buổi sáng và chiều 3.12, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thảo luận tại 4 tổ.
>>> Khai mạc Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII
Có 57 lượt ý kiến phát biểu tham gia đóng góp về các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) năm 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2021; tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2020, phương án bổ sung ngân sách địa phương năm 2021; báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025; báo cáo thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025. Nhiều ý kiến cũng tham gia thảo luận Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025.
Làm rõ những hạn chế
Góp ý về kết quả phát triển KTXH năm 2020 và kế hoạch phát triển KTXH, phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2021, một số đại biểu đề nghị đánh giá sâu sắc hơn phần hạn chế, yếu kém, nhất là những nguyên nhân chủ quan; bổ sung thêm hạn chế về môi trường đầu tư, do chưa được quan tâm đúng mức nên không thu hút được nhà đầu tư lớn.
Nhiều ý kiến khẳng định công tác bảo đảm an ninh chính trị được tăng cường, nhưng tội phạm không giảm, nhất là tội phạm nghiêm trọng đều tăng (tội phạm giết người thân) chủ yếu do nhận thức và hành vi. Tội xâm phạm trẻ em tăng so với năm 2019. Công tác quản lý, trấn áp tín dụng đen, tổ chức đánh bạc, đối tượng nghiện hút… còn hạn chế. Tình hình gửi đơn thư vượt cấp hiện nay còn tăng và tiếp tục kéo dài, đề nghị cần tăng cường kiểm tra và giao trách nhiệm cụ thể.
Có ý kiến phản ánh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chưa đạt hiệu quả. Hạn chế này kéo dài nhưng chưa có giải pháp đột phá để khắc phục. Một số thủ tục giải quyết ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh lại gây mất thời gian hơn giải quyết trực tiếp ở sở, ngành nên cần nghiên cứu để giảm phiền hà, lãng phí thời gian cho người dân.
Có ý kiến phản ánh việc sử dụng dịch vụ bưu điện làm tiêu chí đánh giá thi đua cải cách hành chính đối với các ngành trong lĩnh vực dịch vụ công hằng năm là không phù hợp, cần khắc phục. Về vấn đề này, Sở Nội vụ báo cáo đây là bất cập trong thực tiễn, tỉnh ta đang quy định tiêu chí sử dụng dịch vụ bưu chính công ích cao hơn mức Trung ương quy định ở cả 2 cấp tỉnh và huyện.
Một số ý kiến đề nghị xem lại chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa vì tỷ lệ đạt 35% không khả thi. Do năm 2021 chủ yếu hoàn thiện các quy hoạch, nhất là các quy hoạch đô thị, khu dân cư lớn, việc hoàn thành chỉ mức độ nên sẽ không có đột phá trong phát triển đô thị năm 2021; đề nghị điều chỉnh còn 33%. Có ý kiến băn khoăn chỉ tiêu tăng 10% số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới khó thực hiện...
Các đại biểu thảo luận tại tổ
Sử dụng hiệu quả quỹ đất, trụ sở dôi dư
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII với các nền tảng và trụ cột, với công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phải tiến hành rà soát bổ sung và làm lại quy hoạch; xác định nơi nào sản xuất công nghiệp công nghệ cao; nơi nào sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực, đô thị xanh, hiện đại... Đề nghị tỉnh cho thuê tư vấn nước ngoài để triển khai thực hiện lập các quy hoạch quan trọng. Các địa phương sớm tích hợp, cập nhật kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất của cấp mình.
Đề nghị tỉnh sớm quan tâm chỉ đạo việc xử lý các trụ sở dôi dư tại các đơn vị sau khi sáp nhập; xác định nhiệm vụ thu hút nguồn vốn xã hội hóa và nguồn vốn FDI là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư; tạo dựng nguồn thu bền vững, tránh lệ thuộc vào tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp lớn. Đề nghị không thu hút dự án ngoài khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm thu hút doanh nghiệp vào khu, cụm công nghiệp. Cần tổng kết, đánh giá lại để tìm ra giải pháp thực hiện hiệu quả hơn về vấn đề đầu tư đất ở, đô thị.
Đề nghị có cơ chế đẩy nhanh việc thu hút đầu tư, quan tâm công tác giải phóng mặt bằng; cấp kinh phí cho Trung tâm Phát triển quỹ đất từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng để chủ động mặt bằng sạch trong thu hút đầu tư. Có ý kiến nêu công tác giải phóng mặt bằng còn bất cập do chính sách đền bù hỗ trợ còn thấp so với các tỉnh khác. Cần nghiên cứu triển khai các hoạt động kinh tế ban đêm để thu hút khách lưu trú về Hải Dương, quan tâm các hoạt động tua tuyến tham quan du lịch đồng bộ, thuận tiện.
Nhiều ý kiến nêu về việc xử lý rác hiện nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ, trong phương hướng chưa rõ. Đề nghị quy hoạch lại khu xử lý rác tại xã Việt Hồng để thu hút các dự án xử lý rác công nghệ cao vì việc lựa chọn địa điểm để đầu tư nhà máy xử lý rác như hiện nay rất khó khăn. Đối với 3 nhà máy hiện có phải có lộ trình nâng cấp đầu tư trang thiết bị để cải thiện chất lượng xử lý rác, nếu không đáp ứng thì phải đóng cửa.
Đề nghị giao tăng mức chi thường xuyên
Một số ý kiến đề nghị tỉnh tăng cường quan tâm phòng chống dịch Covid-19 để bảo đảm ổn định cho phát triển kinh tế. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên các bệnh viện tự chủ hiện nay đều rất khó khăn trong chi thường xuyên, tỉnh cần quan tâm có cơ chế hỗ trợ các bệnh viện.
Về phương án xử lý cân đối ngân sách 2021, một số ý kiến đề nghị tỉnh tăng mặt bằng chi thường xuyên năm 2021 để làm cơ sở Trung ương giao tăng mặt bằng chi năm 2022 và giai đoạn ổn định ngân sách mới. Có ý kiến đề nghị cần có định hướng rõ trong nuôi dưỡng nguồn thu, ngoài các tiêu chí về diện tích, dân số, cần quan tâm tiêu chí dành đất cho phát triển công nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng nguyên tắc phân bổ ngân sách trong báo cáo quy định tối đa không quá 15% cho các huyện nếu không có cơ chế đặc thù là chưa hợp lý, đề nghị nên phân bổ tối thiểu là 15%. Một số ý kiến còn băn khoăn khi tỉnh dự kiến giữ lại 100% tăng thu tiền sử dụng đất ở các cấp ngân sách, sẽ không còn động lực cho các địa phương, gây khó khăn cho triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp. Đề nghị chỉ giữ 30% như năm 2020 để thực hiện nhiệm vụ chung nhằm tạo động lực cho cấp huyện hoặc có thể là 50%. Đề nghị cần có giải pháp cân đối để tạo động lực phát triển.
Có ý kiến đề xuất cơ chế hỗ trợ thực hiện nông thôn mới nâng cao tạo động lực cho các địa phương. Đề nghị có cơ chế hỗ trợ, tiếp tục đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn. Đề nghị giảm chi thường xuyên, tăng chi cho công tác khuyến nông, khuyến ngư...
Định rõ hướng phát triển cho từng địa phương
Về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025, một số ý kiến đề nghị tách bạch giữa nhiệm vụ và giải pháp, cần rà soát lại kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020 - 2025, 2025 - 2030, tính toán khoanh vùng đất nông nghiệp cho phù hợp.
Có ý kiến đề nghị tỉnh xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; quan tâm giúp các địa phương trong việc xác định quy hoạch với tầm nhìn, định hướng phát triển dài hạn. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển nông nghiệp xanh cần giữ quỹ đất ổn định.
Đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; khảo sát, đánh giá lập bản đồ các doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và xem xét thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút đầu tư. Đề nghị bổ sung nhiệm vụ trọng tâm phát triển giao thông liên kết vùng, liên kết huyện.
Về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, có ý kiến băn khoăn về kế hoạch này có sự mất cân đối lớn giữa các ngành, lĩnh vực (ngành nông nghiệp cần được quan tâm thì chỉ có 2 dự án). Bố trí vốn đầu tư công quá thấp. Đề nghị cần bố trí tạm ứng trên 1.000 tỷ cho các đề án. Đóng góp ý kiến vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhiều ý kiến đề nghị trong năm tới tỉnh cần quan tâm tốt công tác chuẩn bị đầu tư bài bản; hạn chế điều chỉnh thiết kế, dự toán, tổng mức đầu tư...
Quan điểm phát triển cần bao trùm hơn
Thảo luận, góp ý vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, về quan điểm phát triển, có ý kiến đề nghị ở cấp tỉnh cần đi vào thực chất, cần diễn đạt quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm hơn.
Về Chiến lược phát triển, một số ý kiến đề nghị trong Báo cáo chính trị đã xác định các huyện Nam Sách, Bình Giang, Cẩm Giàng lên đô thị, đề nghị nên sửa là 1 trung tâm và 5 đô thị động lực (TP Hải Dương; Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách, Bình Giang, Cẩm Giàng) để tạo động lực phát triển. Có ý kiến đề nghị cần sắp xếp thứ tự các nội dung trong chiến lược phát triển đến năm 2030 cho phù hợp.
Nhiều ý kiến góp ý, đề xuất nhiều nội dung về các đề án, nghị quyết chuyên đề thực hiện Chương trình hành động Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
PV