Đề xuất giá khởi điểm 200 triệu đồng với "biển số rất đẹp"

07/11/2022 15:54

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, biển số ôtô có năm số giống nhau, bốn số đầu hoặc cuối giống nhau, năm số tiến đều, nên có giá khởi điểm 200 triệu đồng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Cảnh phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Sáng 7.11, thảo luận về dự thảo nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng cần quy định thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng; và xác định "biển số rất đẹp" để tăng khoản thu từ đấu giá.

Ông Cảnh nói, người dân chia biển số đẹp thành hai nhóm. Nhóm theo quan niệm dân gian có các chữ số như 39, 79, 86... và nhóm có các chữ số sắp xếp theo quy tắc khoa học như 121.11, 345.67, 888.99... Năm 2017, Bộ Công an từng đề xuất đấu giá nhóm số gồm năm, bốn, ba chữ số giống nhau, hoặc số sau lớn hơn số trước.

"Nhóm số sắp xếp theo quy tắc khoa học được đa số người dân yêu thích, khi gắn vào ôtô giúp tăng giá trị xe lên rất nhiều", ông Cảnh nói, dẫn chứng, có xe giá 800 triệu đồng, khi gắn biển 99999 (5 chữ số 9) đã bán được 1,7 tỷ đồng; xe 2,5 tỷ đồng có biển số đẹp đã bán lại hơn 5 tỷ đồng.

Theo ông, dự thảo cho phép người trúng đấu giá được giữ lại biển số cho các xe tiếp theo của mình thì người dân sẽ đấu giá cao hơn giá trị gia tăng trước đây. Do đó, những biển số rất đẹp cần được coi là kho biển số bắt buộc đấu giá, với giá khởi điểm cao hơn, bắt đầu từ 200 triệu đồng.

Những biển số rất đẹp ông Cảnh đề xuất gồm: năm chữ số giống nhau; bốn chữ số đầu hoặc cuối giống nhau; năm chữ số tiến đều; bốn chữ số đầu hoặc cuối tiến đều; ba chữ số đầu tiến đầu và hai chữ số cuối giống nhau; hai số cuối lặp lại (như 135.35); hai có hai chữ số (như 115.11); có các số lớn và hai cặp số cuối đối xứng (như 598.89); có các số lớn và số sau bằng hoặc lớn hơn số trước (566.79); ba chữ số đầu hoặc cuối giống nhau, kết hợp với hai số còn lại tạo thành ba chữ số tiến đều hoặc hai số còn lại giống nhau (123.33 hoặc 444.55).

Phương án này theo ông khả thi cao, vì cơ quan soạn thảo quy định giá khởi điểm bình quân khoảng 5% giá trị xe. Hiện Việt Nam có nhiều dòng xe sang có giá từ 3 đến 40 tỷ đồng như Rolls-Royce, Bentley, Maybach Mercedes, Land Rover, Lamborghini, Ferrari, Porche, BMW, Audi... 5% của các dòng xe trên khoảng 150 triệu đến 2 tỷ đồng, "nên mức khởi điểm 200 triệu với biển số đẹp là hợp lý".

Ông cũng phân tích, số lượng dòng xe sang chiếm khoảng 2,5% tổng số xe dưới chín chỗ đã bán ra những năm qua. Vậy nên kho số đẹp đấu giá cũng cần chiếm 2,4% tổng kho số (chênh lệch 0,1%). Xác suất người có xe sang sẽ đấu giá hết kho biển số rất đẹp là rất cao, vì thực tế biển số rất đẹp gắn vào xe sang giúp giá trị xe tăng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

"Nhiều quốc gia đấu giá biển số xe đặc biệt lên đến hàng triệu đô, thường tổ chức trực tiếp, tiền thu được dành cho từ thiện hoặc hỗ trợ hệ thống an toàn giao thông", ông Cảnh nói.

Một số tỉnh, thành tại Việt Nam có đầu số nếu gắn với các biển đẹp theo quy tắc nêu trên sẽ tạo ra những con số đặc biệt như Bắc Ninh có thể có biển 9999999; Hải Dương sẽ có 3456789; Kiên Giang sẽ có 6868888. Nếu những biển số này được đấu giá trực tiếp tại các sự kiện đặc biệt, như ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, thì mỗi biển có thể lên đến vài tỷ đồng.

Do đó, ông đề nghị bổ sung quy định Bộ Công an được quyền chọn biển số từ kho số bắt buộc đấu giá để tổ chức trực tiếp tại sự kiện đặc biệt; tiền thu được dùng để hỗ trợ hệ thống an toàn giao thông trên cao tốc và quốc lộ như thay biển báo không có phản quang, in giới hạn tốc độ tối đa lên mặt đường, bổ sung bảng hướng dẫn đường ra khỏi cao tốc từ xa, xoá các điểm đen giao thông...

Ông Cảnh kỳ vọng, khi đề xuất nêu trên được thực thi, mỗi năm sẽ tạo thêm khoản thu vài nghìn tỷ đồng, "vừa tăng nguồn thu, vừa thỏa mãn nhu cầu người đấu giá".

Tranh luận về mức khởi điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Thường trực Ủy ban Xã hội) cho rằng cần hạ thấp, tạo cơ hội cho nhiều người dân tham gia. Việc này đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời sẽ thu hút đông người tham gia và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh) đồng tình mức giá khởi điểm chung nên là 40 triệu đồng, không phân biệt vùng, đảm bảo công bằng cho người đấu giá trên mọi miền đất nước. Nữ đại biểu cũng kiến nghị quy định rõ đưa tất cả các đầu số ra đấu giá hay lựa chọn để đấu giá. Nếu chọn biển số đấu giá thì tiêu chí cần rõ ràng, cụ thể để thuận tiện khi áp dụng.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Sở Tư pháp Vĩnh Long) đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo bước giá là 5 hoặc 10 triệu đồng. Tiền thu được từ đấu giá biển số nên phân bổ theo hướng 70% nộp ngân sách trung ương và 30% đưa về địa phương.

Cần xem biển số đẹp như tài sản cá nhân

Đề cập đến quyền của người trúng đấu giá, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Phó đoàn Vĩnh Phúc) băn khoăn khi quy định người nhận chuyển nhượng xe có gắn biển số trúng đấu giá không được giữ lại biển. Ông cho rằng như vậy không phù hợp vì ôtô đều có niên hạn sử dụng, sau khoảng thời gian hết khấu hao bắt buộc phải đổi xe khác. Ông đề xuất điều chỉnh theo hướng người nhận biển số kèm phương tiện được giữ lại để đăng ký cho xe khác.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn) đề nghị quy định rõ người trúng đấu giá được đăng ký biển số với xe đã đăng ký hay chỉ được đăng ký với xe mới mua. Cạnh đó, cần nới lỏng quy định, cho phép người nhận biển số thông qua thừa kế, gắn với phương tiện được giữ lại biển đó. Ví dụ bố mẹ cho con ôtô, có thể giữ lại biển số để làm kỷ niệm.

Quy định hoàn tiền đấu giá cho người trúng nếu trong 12 tháng chưa kịp đăng ký cho phương tiện mà bị chết, đại biểu tỉnh Lạng Sơn đề cần linh hoạt hơn, trao quyền cho người thừa kế được giữ lại biển hoặc trả về kho số để lấy tiền.

Ông Trịnh Minh Bình đề nghị nên coi biển số như một loại "tài sản cá nhân, người trúng đấu giá có quyền tài sản như trong Bộ luật Dân sự". Cơ quan soạn thảo cần làm rõ lý do hạn chế quyền tài sản của người dân sau khi trúng đấu giá "là theo quy định của luật nào?"

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng dự thảo cần nêu rõ một người được phép đấu giá bao nhiêu biển số; người thừa kế biển số có được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê, cho mượn biển số trúng đấu giá không. Sau khi hết thời gian thí điểm ba năm, những biển số trúng đấu giá có được cho tặng, chuyển nhượng, thừa kế không?

Việc đấu giá biển số xe đẹp được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý triển khai. Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo nhưng đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi".

Tháng 12.2019, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn).

Theo chương trình kỳ họp, sau khi đại biểu thảo luận tổ về nội dung này, chiều 15.11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Đề xuất giá khởi điểm 200 triệu đồng với "biển số rất đẹp"