Để vùng rươi phát triển bền vững

20/11/2016 06:25

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ khai thác rươi trong tỉnh phản ánh tình trạng rươi mỗi ngày một ít đi.


Đặc biệt là năm nay, dù đã qua nước rươi tháng 10 chính vụ nhưng lượng rươi thu được rất ít. Anh Nguyễn Thiện Phước có 2,3 mẫu đầm rươi tại xã Thanh Cường (Thanh Hà). Năm ngoái anh thu được 1,3 tấn rươi, nhưng năm nay mới thu được chưa đầy 2 tạ. "Chúng tôi vẫn nuôi rươi theo kinh nghiệm nên không biết tại sao rươi lại ít đi, làm thế nào để khai thác rươi hiệu quả", anh Phước cho biết. Nhiều hộ nuôi rươi tại Tứ Kỳ, Kinh Môn cũng cho biết năm nay lượng rươi thu được giảm mạnh, có nơi giảm hàng chục lần so với năm ngoái.

Theo tiến sĩ Phạm Đình Trọng, chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu bảo tồn nguồn lợi rươi và phát triển nghề khai thác rươi dựa vào cộng đồng ở vùng nước lợ thuộc tỉnh Hải Dương", ba yếu tố môi trường cơ bản liên quan đến sự xuất hiện của rươi là khí tượng - thời tiết, thủy triều và ánh sáng. Thức ăn của rươi là các vi tảo, giáp xác nhỏ và mùn bã hữu cơ. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, toàn tỉnh có từ 50-70 xã ven sông khai thác rươi, hiện nay chỉ còn trên 10 xã, rươi xuất hiện thưa thớt, năm nhiều năm ít. Qua khảo sát tại 10 xã này trong vụ rươi năm nay, ông Trọng đánh giá: "Sản lượng rươi giảm đi hằng năm do nhiều nguyên nhân như ô nhiễm môi trường, lượng thức ăn trong tự nhiên ít đi và kỹ thuật khai thác còn hạn chế".

Trong quá trình nghiên cứu, ông Trọng đã phát hiện số lượng các loài thực vật phù du tại các cửa sông lớn đã giảm đi đáng kể so với kết quả nghiên cứu những năm trước. Cụ thể, năm 2012, tại các cửa sông ở khu vực huyện Thanh Hà có 47 loài thực vật nổi, đến năm 2016 giảm đi còn 19 loài; tương tự ở huyện Tứ Kỳ từ 95 loài giảm còn 26 loài; Kinh Môn từ 108 loài giảm còn 23 loài, Kim Thành từ 45 loài giảm còn 19 loài.

Cũng theo kết quả nghiên cứu trên, nguyên nhân rươi giảm là do nơi cư trú bị mất dần và môi trường sống bị ô nhiễm. Các bãi ven sông bị đào bới, lấy đất làm gạch hoặc bị lấn chiếm để xây dựng các công trình. Các cánh đồng lúa ven sông sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm nguồn nước và nền đáy ruộng, môi trường nước còn bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt. Môi trường sống bị ô nhiễm cũng làm giảm lượng thức ăn trong tự nhiên của loài rươi.

Năm nay, Viện Sinh thái và Môi trường nhiệt đới, đơn vị chủ trì đề tài đã xây dựng thử nghiệm mô hình đầm "nuôi" rươi hiệu quả dựa trên nguyên tắc bảo đảm môi trường sạch, bổ sung thức ăn tự nhiên cho rươi. Đề tài đã thực hiện khảo sát hai cặp đầm đối chứng tại các xã Tứ Xuyên, An Thanh (Tứ Kỳ), Vĩnh Lập (Thanh Hà) với tổng diện tích 15 ha. Cặp đầm đối chứng thứ nhất là đầm trồng lúa và đầm trắng (đầm không trồng cấy) được bón phân hữu cơ hoai mục. Cặp thứ hai là đầm trồng lúa và đầm trắng không được bón phân hữu cơ hoai mục. Kết quả cho thấy đầm trồng lúa được bón phân hữu cơ hoai mục có số lỗ rươi cao nhất. Các hộ có diện tích đầm ngoài bãi sông trồng lúa và được bón phân hoai mục đạt năng suất cao nhất từ 5,7-6 tạ/ha; các đầm còn lại thì năng suất thấp hơn rõ rệt, chỉ từ 13 kg-2 tạ/ha. Từ kết quả nghiên cứu này cho thấy các đầm tạo được môi trường sống gần với môi trường sống tự nhiên của con rươi thì cho năng suất cao nhất. Đó là môi trường bãi sông có chất đáy là đất pha cát, trao đổi nước tốt. Vì vậy, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học đã đề xuất mô hình nuôi rươi hiệu quả là mô hình "bán thâm canh rươi - lúa", cấy lúa một vụ. Ở mô hình này, cây lúa che chở cho rươi khi thời tiết thay đổi, phân bón cho lúa tạo nguồn thức ăn cho rươi, chất thải của rươi là nguồn dinh dưỡng cho ruộng lúa.

Để nuôi rươi hiệu quả, đề tài đề xuất các hộ dân cần xây dựng hệ thống cống dẫn nước và cống thoát có độ sâu tương ứng với nền đáy ruộng. Các cống cần có "cánh phai" rời, trùng khít để lấy nước, giữ nước chủ động và tiện lợi cho việc trao đổi nước. Ruộng nào trao đổi nước tốt, lấy được giống rươi vào những ngày triều cường dịp đông xuân, nhất là con nước vào dịp Tết âm lịch sẽ cho năng suất cao. Các đầm khai thác rươi phải có độ sâu cần thiết, bảo đảm nền đáy đầm được phơi ít nhất 10 ngày/tháng. Trong các loại chất đáy, rươi ưa sống nhất ở chất đáy ngoài bãi là đất phù sa pha cát. Bên cạnh nguồn thức ăn tự nhiên, cần bổ sung nguồn thức ăn hoai mục từ rơm rạ, phân xanh, phân chuồng, không bổ sung phân tươi (hiện nay nhiều hộ nuôi rươi vẫn bổ sung phân tươi cho đầm. Phân tươi chứa nhiều các vi khuẩn gây bệnh nên sẽ ảnh hưởng đến năng suất rươi).  Bên cạnh đó, cần tuyệt đối phòng tránh ô nhiễm nguồn nước.

VIỆT QUỲNH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để vùng rươi phát triển bền vững