95% số cơ quan, đơn vị, địa phương ở Hải Dương đã đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh và công bố chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao giấy khen của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh cho các tập thể có thành tích tiêu biểu thực hiện Kết luận 01-KL/TW, ngày 18.5.2021 của Bộ Chính trị (Ảnh tư liệu)
Trong lịch sử phát triển của xã hội nói chung, xã hội hiện đại ngày nay nói riêng, đạo đức là cốt lõi của nền văn hóa, được hình thành và phát triển cùng với tiến trình phát triển văn hóa của các dân tộc.
Đối với tổ chức Đảng, chính quyền, chuẩn mực đạo đức được coi là những điều quy định căn bản nhất, làm căn cứ để xác định định hướng, mục đích, khát vọng của tổ chức, xác định phẩm chất, nhân cách, năng lực của cá nhân hoạt động trong tổ chức ấy.
Hiện nay, cán bộ, đảng viên chịu không ít tác động tiêu cực, trong đó tác động trực tiếp và mạnh nhất là mặt trái của quyền lực. Tình hình đó đòi hỏi chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên cần có sự phát triển, hoàn thiện hơn cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới.
Dân tộc ta tự hào có Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đại diện cho tấm gương đạo đức cách mạng cao quý, sáng ngời để toàn Đảng, toàn dân ta học tập, noi theo. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã và đang là nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội Việt Nam ta.
Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả và thực chất chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì một trong những vấn đề mang tính căn cốt, nền tảng hiện nay là phải xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng, tạo sức mạnh nội sinh để mỗi cán bộ, đảng viên đấu tranh chống ảnh hưởng tiêu cực, tự mình rèn rũa bản thân để làm những điều tốt đẹp cho bản thân và cho xã hội, trành những thói hư, tật xấu, để Đảng ta xứng đáng là đạo đức, là văn minh, là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân.
Tại Hải Dương, thực hiện Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn rà soát, bổ sung, điều chỉnh chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
95% số cơ quan, đơn vị ở Hải Dương đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Nội dung rà soát, bổ sung, điều chỉnh chuẩn mực đạo đức vận dụng linh hoạt, sáng tạo xoay quanh 6 mối quan hệ cơ bản đó là: Đối với Đảng, Tổ quốc; đối với nhân dân; đối với công việc; đối với đồng nghiệp; đối với bản thân; đối với thế lực thù địch.
Qua theo dõi, nắm bắt cho thấy, đến tháng 7.2022, trên 95% số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh và công bố chuẩn mực đạo đức. Các bản chuẩn mực đạo đức theo đặc thù ngành được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh xây dựng với nội dung ngắn gọn, in với chất liệu đẹp, đóng khung, treo nơi trang trọng ở công sở, cơ quan (hoặc trang trí dưới dạng pa nô, áp phích, bảng điện tử...) để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động dễ quan sát và thực hiện; công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, theo dõi, giám sát.
Để việc thực hiện chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà các cơ quan, đơn vị, địa phương đã niêm yết, công bố, công khai đạt được hiệu quả và phát huy tác dụng, thì các địa phương, đơn vị cần xây dựng Quy định về thực hiện chuẩn mực đạo đức. Cần cụ thể hóa những việc phải làm, những việc cần tránh, chế tài thực hiện nêu rõ mức độ thưởng, phạt. Các cá nhân lấy đó làm căn cứ thực hiện quy chuẩn và tập thể lấy đó làm căn cứ đánh giá chất lượng năng lực nghề nghiệp cũng như phẩm chất đạo đức cán bộ; biểu dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt chuẩn mực và có hình thức xử lý, phê bình đối với cá nhân vi phạm, thực hiện chưa tốt chuẩn mực đạo đức, có những hành vi đạo đức không lành mạnh...
Việc thực hiện nghiêm túc chuẩn mực đạo đức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương là hết sức quan trọng, tạo thành nếp nghĩ, nếp sống, thường xuyên, thành trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện những quy chuẩn riêng của ngành, đơn vị đi đôi với rèn luyện phẩm chất cá nhân. Những tấm gương sáng về đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu luôn có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn đến những giá trị đạo đức của cộng đồng xã hội.
ĐOÀN THÊU(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương)