Để thực thi hiệu quả Nghị định 117

19/11/2020 14:59

Mặc dù có nhiều chế tài, song để thi hành tốt Nghị định 117 đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có sự vào cuộc đồng bộ, liên tục, tránh tình trạng hô khẩu hiệu chung chung.


Không dễ để xác định độ tuổi người mua thuốc lá tại cửa hàng

Đa số người dân đồng tình và ủng hộ việc xử phạt hành vi sai người dưới 18 tuổi đi mua thuốc lá theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thắc mắc xung quanh việc làm thế nào để nhận biết người mua thuốc lá đã đủ hay chưa đủ 18 tuổi.

Kiểm tra thế nào?

Điều 29 Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế chính thức có hiệu lực từ ngày 15.11.2020 đưa ra mức phạt từ 500.000-1 triệu đồng đối với các hành vi vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá. Như vậy, bố mẹ, người thân sai khiến con dưới 18 tuổi đi mua thuốc lá có thể bị phạt đến 1 triệu đồng.

Điều 26 của nghị định quy định phạt từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá; phạt từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

Đồng tình với quy định xử phạt, ông Nguyễn Văn Khang ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết dưới 18 là độ tuổi nhạy cảm về tâm sinh lý, nhận thức chưa được hoàn thiện. Vì vậy, việc nhờ trẻ nhỏ mua thuốc lá sẽ tạo nên thói quen không tốt, khiến cho trẻ dễ bị lôi kéo vào những thói quen xấu này.

Tuy nhiên, theo một số chủ cửa hàng tạp hóa, giới trẻ bây giờ lớn rất nhanh, người bán thuốc lá khó biết người mua đã đủ 18 tuổi hay chưa.

Luật sư Nguyễn Kiều Đông, Trưởng Văn phòng Luật sư Á Đông (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng Nghị định 117 khi đi vào cuộc sống sẽ gặp không ít khó khăn bởi không có quy định cho phép người bán được kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách hàng mua thuốc lá, rượu bia. Điều nữa là muốn xử lý vi phạm thì phải có chứng cứ, hình ảnh, người làm chứng về việc người dưới 18 tuổi đã mua thuốc lá theo yêu cầu của người khác. Nghị định quy định nhiều cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm trên như UBND các cấp, công an, thanh tra Sở Y tế, quản lý thị trường... nhưng việc giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm này một cách thường xuyên sẽ rất khó khăn. Các hành vi này diễn ra không lưu lại trong hồ sơ, tài liệu. Không phải cửa hàng nào cũng có camera giám sát và càng khó có chuyện người bán quay, chụp lại hình ảnh khách đến mua.

Giáo dục, tuyên truyền sâu rộng

Cũng theo luật sư Nguyễn Kiều Đông, mặc dù việc xử phạt người sai người dưới 18 tuổi mua thuốc lá và bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi gặp khó khăn, song quy định này mang nhiều ý nghĩa. Thực tế đã chứng minh, sau khi quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng có hiệu lực, dù không bị xử phạt nhưng nhiều người đã có ý thức không hút thuốc lá nơi công cộng. Tương tự, sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, tình trạng sử dụng rượu bia trước khi tham gia giao thông và tai nạn thương tích do sử dụng rượu bia cũng đã giảm đáng kể. 

Như vậy, để đưa Nghị định 117 vào cuộc sống, trước hết phải có những biện pháp cụ thể để giáo dục và thuyết phục; tuyên truyền một cách sâu rộng để người dân biết được mức xử phạt, từ đó họ có ý thức rằng nếu vi phạm thì sẽ bị xử phạt. Sau một thời gian, người dân đã biết luật rồi vẫn cố tình để người dưới 18 tuổi mua thuốc lá thì sẽ bị xử phạt. 

Mặc dù có nhiều chế tài, song để thi hành tốt Nghị định 117 đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có sự vào cuộc đồng bộ, liên tục, tránh tình trạng hô khẩu hiệu chung chung.

THÀNH ĐẠT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để thực thi hiệu quả Nghị định 117