Đề thi chuyên văn lớp 10 bàn về đức hạnh và nhan sắc của phụ nữ gây tranh cãi

14/07/2020 15:23

Đề thi vào chuyên văn của Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội) năm 2020 - 2021 trích câu nói của nhà thơ Xuân Quỳnh đang tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi.

Đề văn tuyển sinh vào lớp 10 của Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân Văn (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2020 - 2021

Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn trực thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập 9.10.2019. Và năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên trường tuyển sinh lớp 10 chuyên ngữ văn, lịch sử và địa lý.

Đề thi môn ngữ văn của trường ra ngày 13.7 đã khiến dư luận đặc biệt chú ý và tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng đề thi này thú vị, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng rất nhiều kiến thức và cho học sinh cơ hội phản biện.

Nhưng cũng có khá nhiều ý kiến cho rằng đề thi đưa ra những nhận định cũ kỹ vì thời nay người ta không còn phân định rạch ròi giữa "đức hạnh" và "nhan sắc" cũng như nội dung và hình thức của thơ; đề thi này quá sức so với tư duy của học sinh lớp 9 thi vào lớp 10.

Cô Đinh Thị Phương Thảo, chủ nhiệm lớp Khoa học xã hội Trường THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) cho biết:

"Cá nhân tôi thấy nội dung và cấu trúc đề khá quen thuộc. Câu nghị luận xã hội (4 điểm) là câu hỏi mở tương đối thú vị. Đây là câu hỏi không có ý hỏi, không xuất hiện cụ thể câu lệnh, mà chỉ gợi mở đưa ra tình huống "phải chăng lắng nghe người khác là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân", thực ra ý tự hỏi đã đưa ra trong câu lệnh ẩn đó.

Đề đưa ra hai phạm trù, "lắng nghe người khác" và "thể hiện bản thân mình", tưởng không liên quan nhưng thực ra rất liên quan. Thí sinh đọc phải tinh mới nhận ra.

Câu nghị luận văn học (6 điểm) thì quen thuộc quá và có tính chất định hướng học sinh rất rõ, đủ sức để chọn ra những học sinh có hiểu biết sâu.

Câu hỏi đã đụng đến những vấn đề rất kinh điển, đó là hai cặp phạm trù nhan sắc - đức hạnh của người con gái, và hình thức - nội dung của thơ. Chỉ những học sinh thực sự am hiểu mới giải quyết được vấn đề.

Học sinh lớp 9 nhận thức chưa thể bằng học sinh 17, 18 tuổi; mức độ tìm hiểu về văn chương, lý luận của các con chưa nhiều, trải nghiệm xã hội cũng vậy. Do đó câu này hơi khó với các con.

Về cơ bản tôi đánh giá đề thi này an toàn, quen thuộc, nhìn tưởng mới nhưng thực ra vẫn có tính chất định hướng học sinh hơi nhiều. Tâm lý của tôi vẫn trông đợi một đề thi chuyên ở thế kỷ XXI phải mới hơn. Khi theo dõi đề thi ở TP Hồ Chí Minh tôi thấy đề luôn bất ngờ, thú vị hơn".

Còn TS Trần Ngọc Hiếu (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết đề thi nói trên khiến ông suy nghĩ rất nhiều về việc dạy và học văn trong nhà trường hiện nay. "Nói đề thi dễ cũng được, vì đề trích dẫn câu nói của thi sĩ Xuân Quỳnh - một câu nói rất hay được trích dẫn trong những mệnh đề về đặc trưng của thơ.

Câu nói này thể hiện một quan điểm khá cũ kỹ về thơ, quan niệm thơ hay trước hết là ở nội dung, tình cảm (tương đương với đức hạnh của một cô gái trong gia đình), đến giờ vẫn được nhắc đi nhắc lại trong các bài giảng về đặc trưng thơ ở mọi cấp.

Đây là một đề bài cho học sinh cơ hội được phản biện. Học trò nên đặt ra các câu hỏi liên quan đến ngữ cảnh của nhận định: Người nói là ai, thuộc giới tính nào, được phát biểu trong ngữ cảnh nào?

Câu hỏi về giới tính trong trường hợp này rất quan trọng. Vì định nghĩa này không chỉ nêu lên tiêu chí về thơ hay mà thực ra gắn liền với một khuôn mẫu về giới tính. Nó không khác gì cách các truyện cổ tích thường kết bằng phần thưởng là công chúa lấy hoàng tử và vì thế rất đáng chất vất từ quan điểm nữ quyền luận.

Câu hỏi về thời gian cũng rất quan trọng: Bối cảnh thơ ca thời chiến khiến người ta cho rằng thơ phải truyền tải một thông điệp nào đó mới là nhiệm vụ quan trọng. Đây cũng chính là thời kỳ nhiều phẩm tính của thơ (yếu tố nhan sắc) bị nghi ngờ.

Học sinh nên được học để biết vì sao một quan niệm như thế từng được chấp nhận và liệu nó có nên bị thách thức ở thời điểm này khi nhãn quan thay đổi và thực tiễn thơ ca cũng khác", TS Trần Ngọc Hiếu chia sẻ.

TS Hiếu cho biết với cách dạy văn hiện nay, ông hồ nghi về khả năng phản biện của học sinh với đề văn nói trên và cho rằng rất có thể đa phần học sinh sẽ viết theo hướng tán tụng. 

"Tôi không phản đối cách ra đề lấy một nhận định nào đó rồi yêu cầu bàn luận mà chỉ nghĩ đến hai vấn đề:

1. Khi ra đề, hãy ý thức đến tính phức tạp của vấn đề mà có khi học sinh chưa được chuẩn bị về kiến thức để bàn luận.

2. Hãy quan tâm đến cách đặt câu hỏi để học sinh có cơ hội thách thức sự nghĩ của mình.

Đề thi phải làm sao thấy được vốn đọc, sự biết đọc của học trò. Mà muốn được như vậy thì phải thay đổi cách dạy. Cách dạy hay thì phải bắt đầu từ sự thay đổi trong triết lý dạy học: dạy học là kích thích, mời gọi suy tư", ông Hiếu nói.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Đề thi chuyên văn lớp 10 bàn về đức hạnh và nhan sắc của phụ nữ gây tranh cãi