Cứ vào đầu năm học, các nhà trường lại tổ chức họp phụ huynh và sẽ thông báo các khoản đóng góp, làm cho không ít phụ huynh lo lắng.
Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) là một tổ chức tự nguyện nhằm kết nối giữa nhà trường và gia đình, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, BĐDCMHS chỉ thực sự phát huy được hiệu quả và có ý nghĩa khi làm đúng vai trò, chức năng của mình trong việc bảo đảm quyền lợi cho học sinh và phụ huynh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 về Điều lệ BĐDCMHS để tổ chức này hoạt động ngày càng hiệu quả. Theo đó, BĐDCMHS có nhiệm vụ thu tiền quỹ lớp, thống nhất việc mua sắm đồ dùng cần thiết cho lớp học, đồng thời phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ cho học sinh tại lớp, tại trường. Ngoài ra, BĐDCMHS còn tham gia và hỗ trợ nhà trường chăm lo đời sống sinh hoạt, học tập của con em mình; huy động xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất cho trường... Không ít BĐDCMHS còn huy động được các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chăm lo tốt đời sống cho đội ngũ giáo viên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GDĐT. Nhiều nơi BĐDCMHS đã phối hợp tốt với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, từ đó nâng cao trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh...
Tuy nhiên, những năm qua ở một số trường học, cơ sở giáo dục, BĐDCMHS chưa phát huy đúng chức năng theo quy định. Thông qua BĐDCMHS, một số trường đã thu một số khoản không đúng quy định, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Với nhiều học sinh ở nông thôn, hoàn cảnh kinh tế gia đình còn rất khó khăn thì những khoản thu ngoài danh mục dù chỉ vài chục nghìn đồng cũng là nỗi lo không nhỏ. Còn ở thành thị, những khoản thu xã hội hóa, quỹ lớp, quỹ trường lên đến tiền triệu cũng đã nhiều lần được dư luận nhắc đến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu thời gian qua là do các trường lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này để đề ra các khoản thu “tự nguyện” dưới hình thức BĐDCMHS đứng ra kêu gọi và thu. Các khoản thu này nhà trường không hạch toán theo quy định.
Mặc dù bước vào đầu các năm học, Bộ GDĐT đều có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện thu, chi theo đúng quy định của Nhà nước, không để xảy ra tình trạng lạm thu. Nhưng trong các buổi họp phụ huynh đầu năm học, bên cạnh những khoản tiền theo quy định của Nhà nước như học phí, tiền học buổi thứ hai, tiền học thêm trong nhà trường hoặc một số khoản nhà trường thu hộ như bảo hiểm y tế (bắt buộc), quỹ Đoàn, quỹ Đội, tiền mua sách vở, đồng phục, gửi xe đạp, nước uống, vệ sinh... vẫn còn nhiều khoản thu khiến phụ huynh bức xúc. Đó chính là các khoản thu có tên gọi là “tự nguyện” hay dưới danh nghĩa “xã hội hóa” do BĐDCMHS đứng lên thu, như quỹ hội lớp, quỹ hội trường, thu hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường, hỗ trợ giáo dục... Trong khi theo điều lệ không có khái niệm nào gọi là “quỹ lớp” hay “quỹ cha mẹ học sinh”.
Làm gì để phụ huynh không bị lên “cơn sốt” khi bước vào năm học mới, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm giám sát nghiêm túc của ngành GDĐT mà còn của cả cấp ủy, chính quyền các cấp, sự dũng cảm lên tiếng đấu tranh của chính phụ huynh học sinh. Rất mong các BĐDCMHS sẽ phát huy tốt vai trò, làm đúng chức năng, quyền hạn của mình để những khoản thu đầu năm học không còn là nỗi lo cho phụ huynh, học sinh và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
TRẦN THÔNG (Gia Lộc)