Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí thấp. Các loại cây cối, nhất là cây rừng thiếu nước.
Trong khi đó, trong rừng có nhiều loại cỏ dại, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ một thời gian là chết, tạo ra những đám cỏ khô. Trên đồi rừng còn có nhiều lá cây rụng, tạo thành những vật dễ cháy. Khi xảy ra cháy khó dập tắt bởi ở trên cao không có nước, diện tích cháy dễ lan rộng. Thiệt hại của việc cháy rừng rất lớn, người trồng rừng bắt buộc phải trồng lại, làm lâu thêm thời gian được khai thác. Ngày 4-10 vừa qua, trên địa bàn xã Lê Ninh (Kinh Môn) đã xảy ra cháy rừng phòng hộ. Hậu quả là 0,7 ha rừng keo và bạch đàn của người dân bị cháy, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng.
Vì vậy, các địa phương có rừng cần chủ động các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Người trồng rừng tuyệt đối không hút thuốc, đốt cỏ, dễ gây ra cháy rừng. Trong khi cải tạo rừng, nên nhặt hết các mảnh chai, lọ, tấm sắt có khả năng tích năng lượng, thường xuyên phát quang cây leo, lá rừng để hạn chế cháy... Các địa phương cần chủ động phương tiện phòng, chống cháy rừng như dao, khẩu trang, bảo hộ lao động. Lực lượng bảo vệ rừng cần thường xuyên tuần tra, canh gác để sớm phát hiện, dập tắt cháy rừng.
THANH HÀ (Kinh Môn)