Sách là kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Không một ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của sách trong đời sống xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21 - 4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam. Đây là niềm vui lớn cho những người yêu sách. Bởi Ngày sách Việt Nam sẽ được tổ chức hằng năm nhằm mục đích khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn của việc đọc sách để nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ngày sách Việt Nam còn được tổ chức để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Đồng thời, Ngày sách Việt Nam cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Đọc sách mỗi ngày giúp chúng ta trau dồi, mở rộng kiến thức trên các lĩnh vực của cuộc sống. Đọc sách còn giúp tăng cường khả năng giao tiếp, rèn luyện năng lực sáng tạo, rèn luyện ngôn ngữ; cải thiện trí nhớ, tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích, giáo dục nhân cách con người...
Bác Hồ lúc còn sống là một tấm gương sáng trong việc đọc sách. Nhờ chịu khó tự đọc, tự học mà Bác biết được nhiều ngoại ngữ, uyên thâm về kiến thức. Trong tác phẩm “Nhật ký chìm tàu” (1925-1926), Bác đã nhiều lần nhắc tới giá trị của sách báo và Bác viết “Sách là thuốc bổ tinh thần”, “Sách là thuốc chữa tội ngu…”. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo, nhà khoa học, cán bộ hưu trí hằng ngày vẫn đọc sách, báo để nắm bắt thông tin và mở rộng kiến thức.
Hiện nay, đã có không ít cá nhân, gia đình, dòng họ sưu tập, lập được tủ sách quý để cho các thành viên đọc. Có nhiều địa phương thành lập được thư viện và tổ chức tốt phong trào đọc sách, báo. Có nhiều em nhỏ, các bạn học sinh, sinh viên đam mê đọc sách ở thư viện trường mỗi ngày. Có không ít nhà hảo tâm đã mua tặng sách cho các thư viện trường học, cho học trò nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhất là sự bùng nổ công nghệ thông tin, sự xuất hiện của vô tuyến truyền hình, video, các phương tiện nghe nhìn và đặc biệt là in-tơ-nét đã khiến việc đọc sách in theo cách truyền thống bị ảnh hưởng. Trong cuộc sống hiện nay, không khó để tìm hoặc mua một cuốn sách để đọc. Có rất nhiều thư viện, hiệu sách với đủ các loại sách được bày bán như sách khoa học, sách tâm lý, sách chuyên ngành, sách y học, sách pháp luật... nhưng có vẻ nhiều người đang rất ngại đọc sách và chưa biết hết giá trị của việc đọc sách. Ít người tìm đến thư viện hoặc mua các cuốn sách để đọc, đặc biệt là những người trẻ. Có thể do mọi người bận công việc cả ngày hoặc những lo toan về cuộc sống, tối đến lại dành thời gian xem các chương trình truyền hình nên không còn thời gian đọc sách. Học sinh, sinh viên có thể do việc học ở trường quá tải nên không còn thời gian đọc thêm các loại sách khác ngoài sách giáo khoa và giáo trình. Hơn nữa, mọi người truy cập thông tin bằng các phương tiện nghe nhìn khác hấp dẫn hơn, nhanh hơn như truyền hình, đài, mạng xã hội, băng đĩa. Một số bậc phụ huynh không quản lý tốt con em mình, để các em sa vào trò chơi điện tử... Một số tủ sách ở các điểm bưu điện văn hóa xã còn nghèo nàn, chưa thu hút được bạn đọc. Hậu quả của việc lười đọc sách, báo thì chắc ai cũng biết. V.I Lê-nin đã từng nói: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có Chủ nghĩa xã hội”. Một số thanh niên không nghề nghiệp, sống buông thả không chịu khó đọc sách, báo nên không có kiến thức, không hiểu biết pháp luật, dẫn tới vi phạm pháp luật.
Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất 21-4, các cấp, các ngành cần quan tâm xây dựng, phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, tự học. Các nhà trường, các gia đình cần giáo dục, khuyến khích học sinh và con em mình hình thành thói quen đọc sách, báo; có phương pháp đọc sách và dần hình thành lòng ham mê đọc sách ngay từ nhỏ. Các nhà xuất bản cũng cần phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan truyền thông tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về lợi ích của việc đọc sách, báo; tổ chức các chương trình giao lưu, tọa đàm, kể chuyện theo sách; giao lưu giữa các nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ… với công chúng; ký tặng, hiến tặng sách; giới thiệu, triển lãm, hội chợ sách; quyên góp sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cần nhân rộng mô hình tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, tủ sách trường học, tủ sách hậu phương quê hương chiến sĩ…
LÊ VĂN NGUYÊN(Huyện uỷ Cẩm Giàng)