Nấm sò (hay ở phía Nam gọi là nấm bào ngư) là một loại nấm rất nên tổ chức sản xuất trong từng gia đình. Nấm rất dễ trồng mà năng suất lại rất cao. Không những thế, nấm sò vừa ngon, vừa bổ và có thể chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn.
Nguyên liệu để sản xuất nấm sò rất phong phú, hầu như tất cả các nguồn xenlulô đều có thể sản xuất nấm sò như: Rơm, rạ, cỏ khô, thân bí ngô, vỏ cà phê, các loại gỗ mềm còn tươi... Ở các nhà máy dệt, người ta còn thu bụi bông lại để sản xuất nấm sò.
Nấm là loại rau cao cấp: Bổ, ngon và sạch. Nếu có điều kiện thì trồng nhiều đề bán. Tại sao lại không trồng nấm? Nhà nào cũng có thể trồng được. Nếu trồng tốt thì 1 cân rơm được 1kg nấm. Trồng... vô trách nhiệm cũng có thể được nửa kg! Rơm thì quá rẻ, nhưng nấm có rẻ đâu. Bình thường cũng bán được 6.000-8.000 đồng/kg. Lúc đắt, giá nấm sò lên tới 12.000-20.000 đồng/kg. Rõ ràng, một vốn được tới mấy chục lời, sao không làm!?
Sau khi gặt lúa xong, bà con nên tranh thủ trồng nấm. Rất nhiều gia đình đã giàu lên nhờ trồng nấm.
Để trồng nấm, việc đầu tiên là phải chuẩn bị nguyên liệu. Loại đơn giản nhất là rơm. Sau khi gặt, đập xong, ta phải tãi rơm rạ, phơi cho thật khô. Việc này phải làm ngay, nếu để lâu, rơm sẽ mủn ra, tức là các loại nấm mốc khác đã ăn mất phần xenlulô của rơm rồi.?Khi rơm đã khô kiệt, ta đánh chúng thành cây rơm (tức là chất lên thành đống cao mà ở giữa có 1 cọc để giữ cho nó khỏi bị đổ). Ta sẽ dùng nó dần dần.
Khi bắt đầu trồng nấm, ta lấy rơm khô ra và đưa đi xử lý để loại bỏ tất cả các loại bào tử và vi sinh vật đang có trong rơm. Có thể xử lý bằng hơi nước nóng (hấp trong thùng phuy) hoặc xử lý bằng nước vôi (đơn giản nhất là bằng nước vôi trong).
Nếu có sẵn bể (như kiểu bể hợp tác xã hay xử lý hạt giống) thì tốt. Nếu không ta đào 1 hố sâu, rộng vài khối, ta cho nước vào bể, dùng vôi bột (1kg vôi cho 4m3 nước) và hòa đều. Vôi bột sẽ không tan hết và lắng xuống đáy, nhưng ta đã có được nước vôi trong.
Cho rơm vào hố nước vôi và ngâm độ 10 giờ, sau đó vớt ra sân sạch và ủ. Bà con nhớ có tấm nilon phủ kín đống ủ. Sau 2 ngày thì đảo đống rơm rồi ủ tiếp 2 ngày nữa. Rơm rạ sẽ mềm ra và loại bỏ được các loại bào tử.
Lấy rơm đó lèn vào các túi nilon. Vừa lèn, vừa rắc giống vào để cấy. Mỗi túi, ta cấy độ 3-4 lớp.
Sau khi cấy, cột chặt miệng túi và để lên giàn, sợi nấm sẽ mọc loang ra. Tới khi nào cả bịch nấm trắng toát như bông thì ta dùng dao rạch độ 3-4 đường ở xung quanh bịch, mỗi vết dài độ 3-4cm. Một hai hôm sau nấm sẽ mọc ra chi chít, ta tha hồ hái để ăn...
Để nắm vững kỹ thuật, xin bà con tìm đọc cuốn “Nghề trồng nấm” của chúng tôi (trong bộ sách “100 nghề cho nông dân”) hoặc liên hệ với Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (của Bộ NN&PTNT): 043.8364.296.
(Nguồn: NTNN)