Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề nghị xử lý hình sự lái xe chở quá tải hoặc có dấu hiệu say xỉn.
Kiểm tra xe quá tải trên Quốc lộ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị hình sự hóa đối với hành vi chở hàng quá tải trọng và điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, hiện nay, tình trạng xe chở hàng quá tải trọng diễn ra phổ biến và hết sức nghiêm trọng, nhiều xe chở quá tải 100-200% tải trọng cho phép, nhiều nhà xe bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm; tình trạng các tuyến đường có nhiều xe quá tải đi qua hư hỏng nghiêm trọng.
Để bảo vệ kết cấu hạ tầng, giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tránh xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng, Tổng cục đề nghị hình sự hóa đối với hành vi điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đề nghị hình sự hóa đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định.
Lý giải cho đề xuất này, theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định, người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4miligam/1 lít khí thở thì mức phạt là 10-15 triệu đồng/người điều khiển xe ô tô và 2-3 triệu đồng đối với xe môtô và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.
Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
“Ở nước ta hiện nay, tình trạng người điều khiển xe có nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở cao hơn mức quy định trên vẫn chưa có chiều hướng giảm. Đây là nguy cơ đe dọa an toàn cho xã hội và rất nghiêm trọng trong khi theo kinh nghiệm quốc tế, hành vi này đã xử lý nghiêm khắc tại nhiều nước; ngoài việc phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe còn bị khởi tố hình sự với hình phạt tù,” ông Nguyễn Văn Huyện nhìn nhận.
Vì vậy, để có chế tài phù hợp với hành vi nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người điều khiển phương tiện khi điều khiển xe có nồng độ cồn cao hơn mức quy định, bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn, tránh nguy hiểm cho xã hội, Tổng cục Đường bộ đề nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định (vượt quá 100mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,5miligam/1 lít khí thở).
Trước đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Với hành vi chở hàng vượt tải trên 150%, đối với người điều khiển phương tiện sẽ phạt tiền 25 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 12 tháng, phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.
Đối với chủ phương tiện có hành vi giao hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, nếu chủ phương tiện là cá nhân, phạt tiền 40 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt. Chủ phương tiện là tổ chức, phạt tiền 80 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt.
Người điều khiển ôtô mà trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.
Đối với hành vi điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện, phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải tạm dừng xử phạt tải trọng trục trong cả 2 trường hợp là phương tiện có khối lượng toàn bộ (gồm khối lượng bản thân xe, cộng với khối lượng hàng hóa và người ngồi trên xe) vượt và không vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường (kể cả khi phiếu cân in ra có kết luận vi phạm tải trọng trục trên 20% là mức vi phạm bị xử phạt). Việc tạm dừng không xử phạt vi phạm tải trọng trục áp dụng cho tất cả các biện pháp, hình thức cân tải trọng xe.
Đối với trường hợp vi phạm tải trọng trục trên 20% (mức vi phạm bị xử phạt) yêu cầu lái xe hoặc chủ xe viết cam kết việc xếp hàng lên xe đảm bảo tải trọng trục xe theo quy định.
Vietnam+