Chiều 1-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tham nhũng.
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đã làm nóng nghị trường bằng hàng loạt câu hỏi liên quan đến thực tế phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Đương nêu ý kiến, cử tri rất bất bình về tình hình tham nhũng. Tại sao càng chống thì tham nhũng càng mạnh. Phát hiện tham nhũng thì nhiều mà xử lý thì ít? Đề nghị năm 2013 và các năm tới mở cuộc vận động về tiết chế lòng tham; mở cuộc vận động từ chức, nhất là đối với các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh nếu lĩnh vực mình quản lý xảy ra những bê bối. Đại biểu Đương đề nghị các vị có chức có quyền cần dũng cảm từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ và bỏ phiếu tín nhiệm luôn đối với các trưởng ngành như ngân hàng, xăng dầu, điện...
Cũng theo đề nghị của đại biểu Đỗ Văn Đương, năm 2013, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cần tập trung vào các lĩnh vực mà dân bức xúc như các tập đoàn nhà nước, ngân hàng, đất đai... Trước mắt, Bộ Công thương, Bộ Tài chính cần thống kê các vụ tạm nhập xăng dầu nhưng không tái xuất, chuyển các vụ có dấu hiệu hình sự, thu hồi thất thoát từ khâu này để lấy nguồn tăng lương, đồng thời đề nghị thành lập Ủy ban Phòng, chống tham nhũng độc lập, không nằm trong khối cơ quan hành pháp.
Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, dựa vào dân để chống, còn nếu khoán cho các cơ quan tư pháp thì rất khó thành công. Đại biểu Dũng còn cho rằng, cả hệ thống chính trị phải dồn sức cho cuộc chiến không cân sức này thì mới lấy lại được niềm tin của nhân dân.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, vai trò kiểm toán chưa được đề cao theo Luật Phòng, chống tham nhũng: “Là công cụ để QH giám sát Chính phủ nhưng Kiểm toán Nhà nước chẳng thuộc QH cũng không thuộc Chính phủ. Điều này dẫn tới nhiều bất cập về vai trò, vị trí của kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng. Trong khi đó, đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn nên nhiều khả năng họ sử dụng quyền lực để chống lại điều tra. Tại sao các vụ án tham nhũng thường theo kiểu đầu voi đuôi chuột? Có hay không dấu hiệu tham nhũng ngay trong lực lượng làm công tác phòng, chống tham nhũng?”
Bên cạnh những bức xúc về tệ tham nhũng, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần hết sức chú ý về loại tội phạm kinh tế. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, tội phạm ngân hàng được phát hiện trong thời gian vừa qua mới chỉ là bề nổi; tảng băng chìm là tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực này, gắn liền với việc gia tăng nợ xấu. Vì vậy, phải xử lý quyết liệt loại tội phạm này, các cơ quan điều tra phải hết sức quan tâm.
Trước đó vào buổi sáng, QH thảo luận tại hội trường về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bức xúc trước tình trạng Luật Thi hành án hình sự đã có hiệu lực từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa đủ điều kiện để thi hành án tử hình, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, còn 508 người bị kết án tử hình nhưng không thi hành được. Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm khi trình QH các dự án luật phải có đủ điều kiện thực hiện. QH cũng cần có nghị quyết để quyết định việc khi chưa có thuốc độc thì cho xử bắn.
Trước tình hình tội phạm đang ngày càng "trẻ hóa", nhiều đại biểu cho rằng, tội phạm trẻ gia tăng ngoài những nguyên nhân từ tình hình khó khăn của kinh tế - xã hội còn do chế tài xử lý chưa đủ mức răn đe. Những năm gần đây, mỗi năm trung bình có 16 - 18 nghìn trẻ em phạm tội, chiếm trên 15% số tội phạm. Có 65% số vụ phạm pháp của trẻ vị thành niên có sử dụng vũ khí nóng, hung khí. Nhiều vụ kẻ phạm tội dã man, mất hết tính người. Do đó, cần sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt đối với tội phạm là trẻ vị thành niên. “Giải pháp là phải sửa đổi độ tuổi thành niên cho phù hợp. Hiện có nhiều nước đã đưa tuổi thành niên xuống 16, có nước quy định 12 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, 14 tuổi phải chịu trách nhiệm đầy đủ” - nhiều đại biểu kiến nghị.
Ngày 2-11, buổi sáng, QH họp phiên toàn thể hội trường, tiếp tục thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012. Buổi chiều, QH làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
(Nguồn: TTXVN)