Đại biểu đề nghị cân nhắc thành lập Ban Chỉ đạo chung cho 3 dự án cao tốc để có cơ chế thống nhất mức giá đền bù giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cột mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương thực hiện.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188,2 km qua bốn tỉnh/thành phố, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.
Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dài 117,5 km qua hai tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài 53,7 km qua hai tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép-Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4-6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư các dự án trên khoảng 84.463 tỷ đồng.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc giai đoạn 1 tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; Biên Hòa-Vũng Tàu. Việc đầu tư xây dựng 3 dự án nói trên phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, đảm bảo cơ sở chính trị và thực tiễn trước yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Tham gia thảo luận, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, đảm bảo đời sống của người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn sau khi thu hồi đất. Ngoài ra, Chính phủ có giải pháp để đảm bảo tiến độ của dự án và chất lượng các công trình sau khi hoàn thành.
Về việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho dự án, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) đề nghị Chính phủ cần quan tâm và rà soát kỹ lại các dự án cao tốc trước, để có thể rút kinh nghiệm cho các dự án này, từ đó có cơ cấu vốn phù hợp theo thời gian thi công, tránh tình trạng thời gian kéo dài gây lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành các tiêu chí, nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, đảm bảo hiệu quả sự phối hợp đầu tư từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, đại biểu đồng ý với phương án tách công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cân nhắc thành lập Ban Chỉ đạo chung cho 3 dự án để có cơ chế thống nhất mức giá đền bù giải phóng mặt bằng, đồng thời sớm bàn giao cột mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương thực hiện.
Về thời gian thực hiện cơ chế, chính sách triển khai dự án, ba dự án đường cao tốc áp dụng các chính sách đặc thù được Quốc hội chấp thuận tại Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Như vậy, thời gian thực hiện chỉ áp dụng trong 2 năm. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) bày tỏ băn khoăn quy định như vậy, khó có tính khả thi để hoàn thành đảm bảo tiến độ. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc và xem xét quy định này đảm bảo phù hợp hơn. Băn khoăn về hình thức đầu tư dự án Biên Hòa-Vũng Tàu, đại biểu cho biết, dự án này trước đây Chính phủ đã có chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Tán thành ý kiến của các đại biểu trong việc chuyển đổi nhưng đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, chỉ vì rút ngắn thời gian mà chuyển sang đầu tư công, cũng nên cân nhắc, nếu không sẽ tăng thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Cho ý kiến về dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Mê Thuột, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, thiết kế bố trí điểm dừng xe khẩn cấp thay vì làn dừng khẩn cấp liên tục là chưa hợp lý.
Đại biểu làm rõ, nếu vì mục đích dừng khẩn cấp nhưng do sự cố nguy hiểm hay tai nạn, xác suất xảy ra tại các điểm dừng này là rất là thấp, nên tác dụng của các điểm dừng khẩn cấp sẽ không phát huy tác dụng.
Bên cạnh đó, việc bố trí điểm dừng sẽ tạo điều kiện cho một số người chưa có ý thức khi lưu thông trên đường cao tốc sẽ dừng xe để nghỉ ngơi, để chụp ảnh, ăn uống, thậm chí là vệ sinh cá nhân... Đại biểu nêu rõ việc vào ra điểm dừng khẩn cấp như vậy sẽ có nguy cơ rất cao gây ra các tai nạn nguy hiểm trên đường cao tốc.
Thảo luận về nghiên cứu tiền khả thi của các dự án, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị làm rõ hơn công tác kiểm đếm đất đai, phương án đền bù tái định cư, cần có phương án giải quyết đồng bộ, cụ thể và triển khai sớm. Các địa phương tập trung thực hiện để sớm ổn định đời sống người dân, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Về phương án cho nguyên vật liệu, đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét, tính toán kỹ phương án vận chuyển để không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Để phát huy hiệu quả quỹ đất hai bên đường cao tốc, đại biểu đề nghị các tỉnh, thành phố sớm triển khai việc xác định quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp xung quanh, đưa vào điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Phần cuối của phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo Vietnam+