Điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, nơi cư trú đang được xem là mô hình điều trị phù hợp.
Nó không chỉ giảm áp lực cho các cơ sở y tế, mà còn tạo thuận lợi cho những người bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Đây được xem là giải pháp phù hợp để thích ứng an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn lây lan nhiều như hiện nay.
Hải Dương đã áp dụng hình thức điều trị này và bước đầu có hiệu quả với nhiều cách làm sáng tạo trong quản lý, nhất là việc phát huy vai trò chủ động của cấp cơ sở trong lãnh đạo, điều hành, của lực lượng y tế cơ sở và tổ "Covid cộng đồng" ở thôn, khu dân cư. Nhiều F0 điều trị tại nhà đã khỏi bệnh với tâm lý tốt...
Tuy nhiên, việc tổ chức điều trị F0 tại nhà đã gây thêm áp lực lớn cho đội ngũ y tế cơ sở vốn đã mỏng về nhân lực và đang phải đảm đương nhiều công việc phòng chống dịch tại địa phương. Công tác chỉ đạo, điều hành của các địa phương còn lúng túng, chưa thống nhất cách làm, nhất là hiện nay số ca bệnh trong ngày tăng cao, đã tạo ra sự ùn ứ, thiếu kịp thời trong cách ly người bệnh; công tác tư vấn, điều trị, thăm khám của nhân viên y tế rất ít. Một số gia đình có ca bệnh Covid-19 không tự giác khai báo. Thực tế còn có tình trạng đùn đẩy, phó mặc công tác điều trị F0 tại nhà cho tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà ở thôn, khu dân cư. Trong khi đó, tổ này hiện chưa được đầu tư kinh phí, trang thiết bị để hoạt động, kể cả những thứ cơ bản bảo hộ phòng tránh lây nhiễm như khẩu trang, nước sát khuẩn, quần áo phòng hộ…
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện công tác điều trị, chăm sóc F0 tại nhà hiện nay, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cần quan tâm nhiều vấn đề. Đối với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 cấp huyện, cấp xã; các đơn vị y tế; cán bộ y tế được giao nhiệm vụ quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà; người ở cùng nhà và người cách ly y tế tại nhà có trách nhiệm thực hiện đầy đủ theo các hướng dẫn quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế. Xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các quy định về quy trình thủ tục, cách làm thống nhất, hướng dẫn tỉ mỉ, chu đáo, nhất là về chuyên môn y tế; lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cấp, ngành, từng người, không được đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị cho cơ sở, nhất là những người trực tiếp tham gia...
Đối với cán bộ y tế phải giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm, chu đáo cho bệnh nhân và người nhà để họ cảm thấy yên tâm. Lập nhóm Zalo để hằng ngày các F0 cùng cán bộ, nhân viên y tế cơ sở tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin về sức khỏe và tư vấn điều trị. Hằng ngày, bệnh nhân báo cáo bằng hình ảnh và đo thân nhiệt, khi có những triệu chứng bất thường thì hỏi bác sĩ phụ trách để được hướng dẫn về chuyên môn. Việc này hiện nay phần lớn y tế cơ sở chưa thực hiện được.
Một vấn đề quan trọng là công tác quản lý, giám sát việc tuân thủ quy định và nguyên tắc cách ly, điều trị tại nhà đối với các F0. Bởi ngoài điều kiện về cơ sở vật chất thì ý thức tự bảo vệ bản thân, bảo đảm an toàn cho người thân, cộng đồng của các F0 là vô cùng cần thiết để không làm lây lan dịch bệnh...
ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN(TP Hải Dương)