Để không lặp lại bi kịch dịch tả lợn châu Phi. Bài 1: Nhà nhà nuôi lợn

20/06/2019 09:07

Nhiều năm nay, nuôi lợn đã mang lại việc làm và thu nhập khá cho người dân. Vì thế, các trang trại, gia trại nuôi lợn mọc lên ở khắp các làng quê, không theo quy hoạch.


Bệnh dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát mạnh từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ

Theo thống kê của ngành thú y, đến ngày18.6, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy khoảng 326.000 con lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) với tổng trọng lượng hơn 19.000 tấn. Dịch bệnh đã xảy ra ở hầu hết các xã, thị trấn trong tỉnh. Nhà nước phải hỗ trợ kinh phí để tiêu hủy và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nhiều năm nay, nuôi lợn đã mang lại việc làm và thu nhập khá cho người dân. Vì thế, các trang trại, gia trại nuôi lợn mọc lên ở khắp các làng quê, không theo quy hoạch.

Mạnh ai nấy nuôi

Từ khi không còn ruộng canh tác, gia đình ông Bùi Bách Nhâm ở thôn Hợp Nhất, xã Lai Vu (Kim Thành) chuyển sang nuôi lợn. Ngoài khu chuồng rộng khoảng 60 m2 nằm ngay cổng nhà, ông còn chuồng khác hơn 70 m2 ở khu chuyển đổi. Trong chuồng nuôi nhà ông lúc nào cũng có chừng 50 con lợn thịt. Bình quân mỗi năm ông Nhâm thu lãi khoảng 50 triệu đồng từ nuôi lợn. Dù thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh nhưng gia trại của ông Nhâm vẫn phải tiêu hủy 22 con lợn do bệnh DTLCP. Hiện đàn lợn nuôi tại nhà vẫn chưa nhiễm bệnh DTLCP nhưng nguy cơ bị lây nhiễm rất cao. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã Lai Vu có khoảng 300 hộ nuôi lợn. Đàn lợn của xã có lúc lên tới 13.000 con. Lai Vu đang gánh chịu thiệt hại nặng nề do DTLCP.

Đa số hộ nuôi nhỏ lẻ thiếu các kiến thức về chăn nuôi lợn. Dù được tham gia một số lớp tập huấn chăn nuôi tại xã nhưng bà Nguyễn Thị Lý ở thôn Mạn Đê, xã Nam Trung (Nam Sách) vẫn chủ yếu nuôi lợn dựa vào kinh nghiệm. Đầu tháng 4 vừa qua, toàn bộ đàn lợn của gia đình bà đã bị tiêu hủy do bệnh DTLCP. Trước đó một số con trong đàn lợn thịt của gia đình có dấu hiệu ốm, bỏ ăn. Chưa rõ nguyên nhân nhưng bà vẫn gọi thương lái đến để bán tháo 50 con lợn choai. Chỉ ít hôm sau, một số con lợn khác tiếp tục bị bệnh, chữa không khỏi nên bà đành phải báo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Sách đến lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả, các mẫu đều dương tính với bệnh DTLCP. "Gia trại của gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên của huyện Nam Sách bị nhiễm bệnh DTLCP. Do chủ quan nên tôi nghĩ lợn chỉ bị bệnh thông thường", bà Lý nói.

Ngành chăn nuôi lợn đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở nông thôn và tạo ra nguồn thu nhập đáng kể. Còn nhớ năm 2016, giá thịt lợn tăng "phi mã" và giữ giá trong một thời gian dài, đỉnh điểm lên đến 54.000 đồng/kg lợn hơi. Thấy lãi cao, nhiều hộ đổ xô nuôi lợn. Những hộ có điều kiện kinh tế đầu tư tiền tỷ xây trang trại hiện đại với quy mô hàng nghìn con. Hộ khó khăn về vốn xây chuồng trại nhỏ lẻ trong khu dân cư, các thôn xóm. Sau cơn "bão giá" làm nhiều hộ nuôi lao đao, giá lợn chỉ mới ổn định trong thời gian ngắn, nhiều trang trại, gia trại còn chưa kịp phục hồi thì xảy ra đại dịch lớn chưa từng có trong lịch sử ngành chăn nuôi nước ta. Đợt dịch này, ngoài thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước còn làm cho hàng nghìn hộ nuôi lợn rơi vào cảnh khó khăn, thất nghiệp và chưa biết bao giờ mới có thể tái đàn.


Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn thiếu kiến thức phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Quy hoạch chưa sát thực tế

Năm 2006, khi tổng đàn lợn đạt ngưỡng gần 900.000 con, UBND tỉnh đã ban hành quy hoạch “Phát triển chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh tỉnh Hải Dương giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Theo đó, từ năm 2006-2010, tỉnh duy trì đàn lợn ở mức 1 triệu con và đến năm 2020 sẽ là 1,5 triệu con. Đồng thời, quy vùng sản xuất lợn tập trung ở 9 huyện, thành phố (trừ các huyện Kinh Môn, Thanh Miện và TP Chí Linh). Đến năm 2016, căn cứ vào điều kiện sản xuất thực tế, tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch, giảm tổng đàn lợn đến năm 2020 xuống còn 600.000 con và định hướng tới năm 2030 là 900.000 con. Theo số liệu của Chi cục Thú y tỉnh, trước khi bệnh DTLCP xảy ra, toàn tỉnh có khoảng 800.000 con lợn, vượt xa so với quy hoạch tổng đàn đến năm 2020. 70% tổng đàn được chăn nuôi nhỏ lẻ. 

Tập quán sản xuất của nông dân là rào cản để chăn nuôi lợn phát triển không theo định hướng, thậm chí có thời điểm rơi vào khủng hoảng bế tắc. Thói quen sản xuất nhỏ lẻ, tư duy chăn nuôi tận dụng, không khoa học, bài bản đã dần dần "giết chết" cả một ngành chăn nuôi đầy tiềm năng của tỉnh. 

Mặc dù thấy rõ hậu quả của chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng để kiểm soát, giảm tỷ lệ chăn nuôi theo hình thức này rất khó. Luật Chăn nuôi mới ban hành vào tháng 11.2018 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 cũng không cấm chăn nuôi nhỏ lẻ mà chỉ nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi. Song những khu vực nào không được phép chăn nuôi thì không có quy định rõ ràng. Chính vì chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn đất sống nên việc bảo đảm an toàn dịch bệnh luôn bị đe dọa. “Thực tế cho thấy sẽ không cấm được chăn nuôi nhỏ lẻ vì liên quan đến an sinh xã hội. Dù vậy, hình thức chăn nuôi này sẽ phải dần bị loại bỏ để xây dựng một nền chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả ổn định lâu dài. Hiện Luật Chăn nuôi yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương. Thời gian tới, việc quản lý sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn”, bà Bùi Thị Bến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

NHÓM PHÓNG VIÊN PHÒNG KINH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để không lặp lại bi kịch dịch tả lợn châu Phi. Bài 1: Nhà nhà nuôi lợn