Để không còn cây đổ đè học sinh tử vong như Trường THCS Bạch Đằng

30/05/2020 13:54

Từ sự việc cây phượng đổ trong sân Trường THCS Bạch Đằng đè 18 học sinh, trong đó có em tử vong, vấn đề quản lý cây xanh trong trường như thế nào để an toàn đã được đặt ra.

Các trường hợp đồng với công ty cây xanh chăm sóc

Cây xanh thường được xem là một phần lịch sử ngôi trường. Có ý kiến cho rằng muốn biết trường học đó có tuổi đời, thành tích như thế nào chỉ cần nhìn vào hệ thống cây trong trường.

Hàng loạt các trường học ở TP Hồ Chí Minh đang sở hữu nhiều cây xanh đã trở thành cổ thụ. Trường THPT Trưng Vương, Trường THPT Marrie Curie, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai... đều có những cây được trồng từ những ngày đầu thành lập và trở thành biểu tượng thời gian của ngôi trường.

Cây đổ đè 18 học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng

Các trường học cũng thường trồng nhiều cây phượng - một biểu tượng của tuổi học trò. Để chăm sóc cây, đa số các trường đều hợp đồng với đơn vị bên ngoài.

Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP Hồ Chí Minh), cho hay nhà trường quản lý và bảo đảm cây xanh bằng chăm sóc định kỳ.

Cụ thể, trường ký hợp đồng với công ty cây xanh mỗi năm vào chăm sóc cắt cành, mé nhánh 2 lần là đầu năm học và đầu mùa mưa.

“Vừa rồi, trong thời gian nghỉ dịch và trước khi học sinh vào học, phía công ty đã vào tỉa cành, mé nhánh và chăm sóc cây” - bà Thủy cho hay.

Cũng theo bà Thủy, giáo viên của trường cũng nâng cao trách nhiệm, chủ động chăm sóc và quan sát, nếu thấy có bất thường thì báo ngay cho nhà trường để báo cho công ty.

Sau sự việc xảy ra ở Trường THCS Bạch Đằng, bà Thủy “khá lo lắng” cả về mặt cảm xúc và sự an toàn, bởi nhìn cây ở trường rất xanh nhưng phía trong không rõ như thế nào.

Còn ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho biết tại đây có hơn 10 cây lâu năm.

Trường đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Cây xanh thành phố vào đánh giá, chăm sóc. Hàng năm, các cây trong trường đều được kiểm tra, mé nhánh hai lần. Lần đầu vào cuối tháng 3 trước mùa mưa, lần thứ hai vào trước năm học mới. Ngoài ra, giáo viên của trường cũng thường xuyên quan sát nhằm phát hiện dấu hiệu bất thường để đề xuất xử lý.

Sau sự cố, Trường THCS Bạch Đằng cho đốn bỏ cây phượng còn lại

Khi xảy ra sự việc cây phượng đổ đè 18 học sinh, ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, cho hay cây được trồng từ năm 1996, nay đã 24 năm tuổi. Hàng năm, nhà trường trường đều thuê công ty quản lý cây xanh đến chăm sóc và cắt nhánh cây.

Trong đợt dịch vừa qua, công ty cây xanh cũng vào chăm sóc cây và cắt nhánh những cây không an toàn. Xin nhận trách nhiệm việc cây đổ, nhưng ông Phúc cũng nói rất bất ngờ bởi cây phượng nhìn bên ngoài rất tươi tốt, lá xanh. Nhưng khi đổ thì lộ ra thân đã mục ruỗng.

Đặc biệt, cây phượng còn lại trong sân vừa được trường cho đốn hạ ngày 28.5 nhìn phía ngoài cũng rất xanh tốt, nhưng khi đốn thì từ rễ tới thân đã mục ruỗng.

Quản lý cây trong trường như thế nào để hiệu quả?

Trước đó, tại buổi họp báo về sự việc cây phượng đổ đè 18 học sinh ở Trường THCS Bạch Đằng, ông Lê Quang Đạo, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh khẳng định cây nằm trong khuôn viên trường do nhà trường quản lý, không thuộc Sở Xây dựng. Theo ông Đạo, Sở Xây dựng chỉ quản lý cây xanh trên đô thị. Trước mỗi mùa mưa đều có văn bản gửi các quận, huyện rà soát lại các cây để bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh lại cho rằng cây cối trong trường thuộc trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng nhưng cũng cần có nhiều cơ quan cùng tham gia. Cụ thể như việc trồng mới, đốn cây phải do bên chuyên môn và do Sở Xây dựng quản lý. Hiệu trưởng không được phép tự quyết định đốn cây mà phải xin ý kiến của cơ quan chức năng với cây cao trên 10m.

Ông Lê Thành Phương, Giám đốc Công ty THHH MTV Cây xanh TP Hồ Chí Minh, đơn vị đốn cây phượng ở Trường THCS Bạch Đằng, cũng khẳng định theo quy định về quản lý xây xanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cây trong khuôn viên nhà trường, bệnh viện, văn phòng các cơ quan… thuộc quyền quản lý của đơn vị và đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Dù bên ngoài tươi xanh nhưng từ rễ tới thân cây phượng đã mục ruỗng

Việc nhận diện, đánh giá những dấu hiệu nguy hiểm của cây rất khó vì có thể bên ngoài nhìn thấy bình thường, lá vẫn xanh nhưng bên trong nhiều khi đã mục ruỗng. Cây cũng có thể bật gốc do nhiều nguyên nhân như quá trình đô thị hóa, thời tiết, biến đổi khí hậu, ngập úng, triều cường, mưa dông, lốc xoáy…

Ông Phương khuyến cáo các cơ quan nên liên hệ các đơn vị chuyên ngành có chuyên môn để tư vấn chọn chủng loại cây phù hợp để trồng. Có kiểm tra, đánh giá, xử lý định kỳ, phát hiện kịp thời nguy hiểm. Các dự án trồng cây xanh nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.

Ông Huỳnh Thanh Phú lại cho rằng quản lý cây xanh trong khuôn viên thuộc về nhà trường, nhưng trường không có chuyên môn để đánh giá. Vì vậy, phải rạch ròi là xảy ra tai nạn do cành khô bị gãy thì trách nhiệm của nhà trường. Nhưng cây bật gốc, giông lốc cây đổ là do thiên tai chứ không thể quy cho hiệu trưởng, và trách nhiệm này phải thuộc về cơ quan có chuyên môn.

Vị hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du đề xuất thành phố phải có cơ chế kiểm định nghiêm ngặt đánh giá chất lượng cây xanh để có hướng xử lý. 

Còn TS La Vĩnh Hải Hà, Phó Trưởng Khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho biết theo tiêu chuẩn cây xanh Việt Nam chia 8 nhóm thì cây phượng thuộc nhóm 7 - nhóm có phẩm chất đứng áp chót với gỗ xốp, dễ bị sâu bệnh. Do truyền thống văn hóa, cây phượng được xem là biểu tượng của học trò, nên nếu giữ lại trồng phải có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn. Cụ thể như khi cây bắt đầu lớn, đường kính từ 20cm trở lên thì tỉa cành, hạ bớt độ cao, chống đỡ cho cây vững…

Theo ông Hà, cây trong trường trách nhiệm là hiệu trưởng nhưng để nắm về thực trạng phải là cơ quan chuyên môn đánh giá, quan sát hàng năm để từ đó có biện pháp bảo đảm an toàn.

TS Đinh Quang Diệp, nguyên giảng viên bộ môn cảnh quan và kỹ thuật hoa viên, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cũng đồng ý rằng nhà trường quản lý nhưng không có chuyên môn, do vậy, khi ký hợp đồng với công ty chăm sóc phải ghi rõ đơn vị chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Không thể khi xảy ra sự cố rồi đổ thừa và để một đơn vị không có chuyên môn chịu trách nhiệm.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Để không còn cây đổ đè học sinh tử vong như Trường THCS Bạch Đằng