Để giúp trẻ học giỏi

17/09/2012 19:35

Tình yêu thương, sự thông cảm sẽ tạo cho trẻ một sự an toàn, cảm thấy nếu chẳng may mình có thất bại thì bố mẹ cũng chẳng bao giờ ghét mình, bỏ rơi mình.

Nhiều ông bố, bà mẹ phàn nàn: “Sao thằng bé (con bé) nhà tôi lơ đễnh thế, bài toán dễ thế mà cũng để sai?” hoặc: “Cháu nhà tôi xem phim hoạt hình thì nhớ tên từng nhân vật, học bài lại chẳng nhớ gì cả!”. Vấn đề này rất bình thường ở trẻ trong độ tuổi tiểu học thế nhưng do không hiểu nhịp phát triển của trẻ, do quá nóng lòng mong muốn con đạt được kết quả tốt trong một thời gian ngắn nên không ít các ông bố, bà mẹ đã vô tình kìm hãm sự phát triển tư duy của con mình.

Làm thế nào để con chúng ta học giỏi? Xét về mặt tâm lý học, điều này phải được bảo đảm bởi hai điều kiện cơ bản: Tình yêu thương, sự thông cảm và phương pháp giáo dục thích hợp. Tình yêu thương thì vốn sẵn trong trái tim của những ông bố, bà mẹ. Sự thông cảm chính là việc lắng nghe trẻ nói, hỏi trẻ khi thấy trẻ buồn và đừng mắng trẻ ngay khi bị điểm kém. Điều này tạo cho trẻ một sự an toàn, cảm thấy nếu chẳng may mình có thất bại thì bố mẹ cũng chẳng bao giờ ghét mình, bỏ rơi mình.

Cha mẹ cần tạo cho trẻ hứng thú học tập và làm cho trẻ hiểu bài. Hai vấn đề này có mối liên quan biện chứng với nhau: Có hứng thú học thì mới tập trung vào bài học và đi đến chỗ nhanh hiểu bài, ngược lại có hiểu bài mới có thể nuôi dưỡng thú học tập của trẻ. Để gây được hứng thú học tập thật sự ở trẻ, cha mẹ, thầy cô phải tránh cách giáo dục thưởng phạt bằng vật chất và bằng roi vọt. Khi trẻ ngoan, thực hiện tốt công việc của mình, có khi chỉ cần một lời khen ngợi, một ánh mắt nhìn âu yếm, một nụ cười rạng rỡ của thầy cô, bố mẹ đã là thứ phần thưởng mang nhiều cảm xúc cho trẻ. Phần thưởng này sẽ tạo nên ở trẻ những xúc động tình người và đây là con đường để trẻ dễ dàng nhận thấy lý tưởng trong hành động, học tập, ứng xử. Đạt đến mức này, không cần thưởng, phạt trẻ cũng tự buộc mình làm theo, bởi những hối thúc bên trong. Còn nếu ta dùng các biện pháp thưởng, phạt vật chất (tiền, quà, đồ chơi) thì trẻ khó nhập tâm được điều hay lẽ phải, tệ hơn là các em dễ hình thành thói quen hành động theo kiểu đổi chác, được gì và mất gì. Ngoài ra, nên tránh lối giáo dục bằng roi vọt. Vì như vậy rất dễ gây tổn thương tâm lý, không những trẻ không phát triển được mà còn làm thui chột tính sáng tạo của trẻ. Ngược lại, trẻ cũng sẽ ít hứng thú học tập nếu bố mẹ quá chiều chuộng, tức là đáp ứng mọi yêu cầu, đòi hỏi của trẻ. Do quá được cưng chiều, trẻ không hiểu được giá trị của những cố gắng của bản thân và dễ đầu hàng trước các khó khăn, bởi vì các em ít được trải nghiệm, thử thách. Như vậy, chiều trẻ cũng phải hợp lý và đúng cách thì trẻ mới phát triển tốt được.

Một điểm nữa quan trọng trong phương pháp giáo dục là phải làm cho trẻ hiểu bài, dù bài đó đơn giản và không quan trọng. Làm được điều này, chúng ta cần hiểu rằng, trẻ ở bậc tiểu học thiên về tư duy trực quan hình ảnh. Trẻ sẽ hiểu nhanh, nắm bắt được vấn đề nhanh hơn khi vấn đề đó được minh hoạ bằng hình ảnh. Mà chỉ khi nào thực sự  hiểu vấn đề, các em mới có thể nhớ lâu. Nếu buộc phải học thuộc một bài các em không hiểu, các em sẽ dễ quên.

TRẦN THÔNG (Bắc Ninh)

(0) Bình luận
Để giúp trẻ học giỏi