Để đạt mục tiêu về bảo hiểm xã hội

15/01/2019 11:44

Giai đoạn 2018 - 2021, tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 50% (Trung ương đề ra là 35%), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng 42% (Trung ương đề ra là 28%)...

Thời gian qua, cơ quan Bảo hiểm Xã hội của tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động, đối thoại về các chính sách, pháp luật bảo hiểm

Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 109-KH/TU ngày 7.9.2018 và UBND tỉnh có Kế hoạch số 4107/KH-UBND ngày 22.11.2018 thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). 

Nhiệm vụ nặng nề

Trong các kế hoạch, tỉnh ta xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2030 với các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể thực hiện Nghị quyết số 28. Giai đoạn 2018 - 2021, tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 50% (Trung ương đề ra là 35%), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng 42% (Trung ương đề ra là 28%), BHXH tự nguyện khoảng 1,05% (Trung ương 1%). Giai đoạn 2022 - 2025, phấn đấu tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt khoảng 55% (Trung ương đề ra 45%), BHTN khoảng 47% (Trung ương 35%), BHXH tự nguyện khoảng 2,6%...

Để thực hiện được các mục tiêu trên không hề đơn giản đối với các cấp, các ngành liên quan, nhất là ngành BHXH của tỉnh vì nhiều mục tiêu khó thực hiện. Theo BHXH tỉnh, hết tháng 12.2018, toàn tỉnh mới có 339.979 người tham gia BHXH, chiếm 32,8% và 306.014 người đóng BHTN, chiếm 29,5%.

Một khó khăn lớn trong việc thực hiện là nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chính sách bảo hiểm. Không ít đơn vị sử dụng lao động thiếu hợp tác, chưa chấp hành nghiêm pháp luật. Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc BHXH huyện Kinh Môn cho biết: "Tuy địa bàn có nhiều doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp có người lao động lại ít. Nhiều doanh nghiệp chỉ đăng ký địa chỉ tại huyện nhưng địa điểm sản xuất, kinh doanh ở nơi khác nên công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người lao động tham gia bảo BHXH gặp khó khăn". 

Còn Giám đốc BHXH huyện Thanh Hà Nguyễn Văn Nghiêm đánh giá: "Đến nay, người dân mua BHXH tự nguyện ở huyện chiếm hơn 1,1%, vượt mục tiêu của tỉnh đề ra. Tuy nhiên, việc phát triển BHXH tự nguyện còn thiếu tính bền vững vì người tham gia có thể thay đổi bất cứ lúc nào do không bị ràng buộc".

Giải pháp

Đồng chí Vũ Đức Khiên, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "Một trong những giải pháp trọng tâm là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, tạo sự đồng thuận cao ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhân dân trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH". 

Các cấp, các ngành cần tăng cường công tác phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng, tích cực thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về thực hiện chính sách BHXH, BHTN. 

Các đơn vị tích cực thay đổi tác phong làm việc theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân. Từng bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tiến tới thực hiện 100% giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN. 

Hằng năm cần xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN phù hợp với từng địa phương và theo lộ trình của Kế hoạch số 109 của tỉnh. Đối với khu vực Nhà nước, khu vực doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động quản lý và yêu cầu nghiêm túc việc đóng nộp BHXH, BHTN đầy đủ cho người lao động theo quy định. Đối với nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện cần thường xuyên đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền, vận động; tổ chức thực hiện điểm BHXH tự nguyện tại một số làng nghề, tổ hợp tác, tiểu thương tại các khu chợ... từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh.

TRUNG NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để đạt mục tiêu về bảo hiểm xã hội