Để tăng năng suất lúa chiêm xuân, nông dân cần hiểu rõ bản chất của các loại phân (phân hữu cơ, vô cơ, vi sinh, qua lá…). Đồng thời, phải biết rõ mối quan hệ giữa thời tiết và sự phân giải của các loại phân, mối quan hệ giữa loại đất canh tác và phân bón và thời điểm bón phân.
- Bón lót: Việc bón lót nên tiến hành trước khi gieo cấy (lúc đang làm đất). Phân lân và phân chuồng (nếu có) cần bón 100%. Đối với đạm và kali cần bón từ 60-65% tổng lượng phân bón cả vụ. Hiện nay, do việc làm đất được cơ giới hóa nên hầu hết các chân ruộng của nông dân đều để bùn lắng, nước trong mới tiến hành bón lót (bón như vậy gọi là bón bề mặt). Việc làm này không những làm cho lúa chết do xót đạm mà còn bị tiêu hao rất lớn lượng phân đã bón do khả năng bay hơi của phân bón nhất là phân đạm, hiệu quả sẽ không cao.
- Bón thúc: Dựa vào các thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây lúa làm tiền đề cho năng suất (đẻ nhánh, làm đòng, làm hạt) mà nông dân cần bón vào các thời điểm của các thời kỳ này cho thích hợp.
Cụ thể:
+ Thời điểm bón thúc cho lúa đẻ nhánh: Mục đích của lần bón này là tạo điều kiện cho lúa đẻ nhanh và đẻ tập trung ngay ở giai đoạn đầu của quá trình đẻ nhánh. Ở vụ xuân, đối với những diện tích gieo thẳng để cây lúa đẻ nhánh được thuận lợi trong thời tiết vẫn còn giá rét thì cần chọn thời điểm khi cây lúa có 2,5 - 3 lá thật (cây mạ có 2 lá và có một mũi chông đang nhú) thì tiến hành bón thúc cho lúa đẻ nhánh là thích hợp nhất. Đối với những diện tích cấy mạ dược và mạ nền cứng cần tiến hành lần bón này khi lúa bén rễ hồi xanh.
+ Thời điểm bón cho lúa làm đòng: Sau khi cây lúa đẻ nhánh xong sẽ bước sang thời kỳ làm đốt và làm đòng. Với những chân ruộng lúa đã đẻ đủ số dảnh theo yêu cầu, cây lúa có nguy cơ đẻ tiếp (lúa tốt) thì cần đợi đến khi cây có đòng mới tiến hành bón phân vì bón lúc này là an toàn nhất, nếu chọn thời điểm lúa đứng cái (lúa chưa có cứt gián) đã bón cho diện tích lúa này thì lúa sẽ tiếp tục đẻ ra những nhánh không bông sẽ vô hiệu quả. Lượng phân bón lúc này nên đầu tư nhiều về kali (theo tỷ lệ 2 kali: 0,5 đạm). Với những chân ruộng lúa sinh trưởng phát triển ở mức trung bình (lúa chưa đẻ đủ) thì cần chọn thời điểm lúa đứng cái để bón cho lúa làm đòng sẽ hiệu quả hơn. Lượng phân bón cho đối tượng lúa này nên theo tỷ lệ (1đạm : 2 kali) là phù hợp.
+ Thời điểm bón cho lúa làm hạt: Cần tiến hành khi lúa đang thấp thoi trỗ hoặc khi cây lúa trỗ xong đang phơi màu (sau trỗ 1 tuần). Lần bón này không dùng phân bón gốc như các lần trước mà nên dùng chế phẩm phân kalisunfat (K2SO4) thường gọi là kali trắng hay kali tan để phun trên bông cây lúa, sẽ có hiệu quả cao (cây hấp thụ được 80-95%) . Nên dùng 2 lạng kali trắng/lần/sào lúa. Đối với lúa lai nên tiến hành phun 2 đợt (đợt 1 lúc lúa thấp thoi trỗ, lần 2 khoảng 1 tuần sau khi trỗ), lúa thuần cần phun được một trong hai đợt trên sẽ có hiệu quả đáng kể.
Chú ý: Kali trắng có thể cộng với các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân qua lá phun cùng (khi cần) đều được. Mặt khác, khi cây lúa bị bệnh khô vằn gây hại ở các thời kỳ thì khi phun thuốc trừ bệnh cần thêm khoảng 0,5 lạng kali trắng/bình phun sẽ trừ bệnh hiệu quả hơn. Khi tiến hành phun kali trắng cho lúa làm hạt và thuốc trừ sâu bệnh nên phun vào buổi chiều mát (lúc bông lúa đã khép vỏ trấu) là an toàn nhất.
(Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia)