Để chó là con thú cưng của mọi nhà

28/10/2018 09:10

Báo Hải Dương cuối tuần số ra gần đây có đăng bài "Chuyện ở làng buôn chó" - làng An Xá, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) trong đó có gần chục quán thịt chó nằm cạnh quốc lộ 37.

Bài viết đã gợi lên những tâm tư của người làm nghề cũng như băn khoăn của xã hội về thói quen ăn thịt chó xưa nay.

Từ lâu đời, nhân dân ta có tập quán nuôi chó giữ nhà. Nhiều vùng nổi tiếng có chó dữ, làm kẻ trộm hoặc người ăn xin phải lo ngại. "Qua Hương xuống Lại/ Chớ dại vào Hào/Chó cắn mất gậy/Chớ vào Phù Tinh" (Thanh Hà). "Qua Thông xuống Bóng chớ vào Rồng/Chó cắn ăn mày phải ra không" (làng Rồng tức Cao Duệ, xã Nhật Tân, Gia Lộc).

Chó là vật nuôi gần gũi, thân thiết với con người. Với sứ mệnh là trông nhà, con chó bao giờ cũng sục sạo hoặc lắng nghe động tĩnh, bảo vệ an toàn cho gia chủ. Chủ đến gần, nó quấn túm, nghển mõm mừng rỡ. Chủ đi xa về, nó chạy ra vẫy đuôi tíu tít đón chào. Con chó tuyệt đối trung thành với chủ của nó. 

Khi sống, chó được yêu quý. Khi chết, có con chó được thờ như thần. Ở Hà Nội, vùng ven hồ Tây, hồ Trúc Bạch, có đền Cẩu Nhi (chó con), có liên quan đến vua Lý Công Uẩn. Năm Tuất, cụ thể là Giáp Tuất (947), Lý Công Uẩn sinh ra ở làng Cổ Pháp (Bắc Ninh), trùng với thời điểm có con chó mới đẻ có đốm lông ghép lại thành chữ "Thiên tử". Sau này, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long lại cũng đúng năm Tuất (Canh Tuất - 1010). Vua cho lập đền thờ Cẩu Nhi để thờ thần chó con.

Còn ở Phú Thọ lại có đền thờ mẹ chó, gọi là Mẫu Khuyển. Ngày ấy, tướng giặc Mãn Thanh đưa quân sang cướp phá nước ta. Dân làng Gằn, xã Tân Minh (Thanh Sơn, Phú Thọ) phải chạy giặc. Một bé trai mới ba tháng tuổi không được mang theo, khóc lóc vì thiếu sữa. Con chó đẻ đã ra lôi bé vào ổ, cho bú cùng với đàn con. Khi gia đình trở về, họ rất cảm động thấy con mình được "mẹ" chó ủ trong ổ rơm. Từ đó, con chó là ân nhân, khi chết được coi là Mẫu Khuyển, có đền thờ rất trang trọng.

Chẳng cứ ở nước ta, chó cũng là thú cưng của nhiều quốc gia. Tại Tây Ban Nha, có con chó mang tên A Jax được tuyển vào lực lượng cảnh sát và đã được thưởng huy chương vì có công phát hiện bom mìn. Ở Mỹ, có hẳn một công ty chuyên lo chăm sóc chó chẳng khác nào khách du lịch, mỗi đợt chăm sóc chó tốn hàng nghìn đôla. Một luật sư người Mỹ, tên là G.GVest đã đọc một bài diễn văn bảo vệ chó, được coi là diễn văn hay nhất 1.000năm qua. Ông lên án các dạng người phụ bạc. "Duy có một người bạn không vụ lợi mà con người có thể có trong thế giới ích kỷ này, một người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ vô ơn hay tráo trở. Đó là chú chó của ta", G.G Vest nói. 

Chính vì thế, nhiều vị khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tỏ ra kinh ngạc khi thấy các quầy hàng thịt chó, treo con chó thui bóng nhẫy ở cửa, bên cạnh lại một lồng chó lèn chặt, rên ư ử, nước mắt chảy ra, rất đau khổ. Ở nhiều nước trước đây cũng ăn thịt chó, nhưng nay họ bỏ. Ở Hàn Quốc, chó từng được coi là món ăn sang. Nhưng theo luật của Chính phủ, từ tháng 12.2017, các thương lái thịt chó đã nhất trí nhận sự hỗ trợ của chính quyền, chuyển sang kinh doanh ngành khác. Đài Loan (Trung Quốc) từng có quan niệm "ăn thịt chó trường thọ" nhưng từ năm 2001 đến nay cũng đã bỏ tục ăn thịt chó, mèo. Nếu bị bắt, sẽ phải nộp phạt 250.000 đô la Đài Loan (khoảng 186 triệu đồng).

Ăn thịt chó là sát sinh. Việc giết mổ và ăn thịt chó còn có thể gây ra nguy cơ, tác hại về các bệnh truyền nhiễm. Có lẽ chính vì vậy mà UBND TP Hà Nội đã ra văn bản về tăng cường quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2021, các quận nội thành sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo. Mong sao quyết định của Hà Nội sẽ mở đường cho các địa phương khác làm theo.

Và cũng hy vọng rằng các quán thịt chó An Xá nói trên, cũng như các hàng quán "cầy tơ 7 món", "mộc tồn" còn nhan nhản trong tỉnh ta sẽ ngày càng giảm dần, để con chó luôn luôn là con vật yêu quý, gần gũi của mọi nhà.

HỮU NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để chó là con thú cưng của mọi nhà