Sáng 22/5, Quốc hội nghe Báo cáo về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Trao đổi bên lề Kỳ họp, các đại biểu cho rằng, lĩnh vực bình đẳng giới ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đến cuối năm 2023, có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt một phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.
Đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên - Huế) đánh giá, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước trong thực hiện bình đẳng giới. Tỷ lệ lao động nữ trong lĩnh vực việc làm, tỷ lệ lãnh đạo nữ trong các cơ quan, doanh nghiệp ngày càng tăng... Nhiều chính sách về lương, ưu đãi nghề, phụ cấp… được ban hành nhằm hỗ trợ phụ nữ đã thể hiện cố gắng của các cơ quan trong thực hiện công tác này.
Tuy nhiên, một trong những tồn tại, hạn chế là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm, chỉ tiêu này cũng khó đạt vào năm 2025, sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học, là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới.
Nhấn mạnh phải nỗ lực rất lớn để giải quyết vấn đề này, đại biểu Phạm Như Hiệp đề xuất một số giải pháp, trong đó cần đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Trong gia đình phải có sự cân bằng trong nuôi dạy con cái giữa phụ nữ và nam giới để xây dựng gia đình hạnh phúc. Ngoài ra, các chính sách của Đảng, Nhà nước phải có nhiều ưu đãi về chế độ việc làm, thai sản, chế độ nghỉ ngơi sau khi sinh, tạo điều kiện cho chị em hoàn thiện kỹ năng nghề, học tập, nâng cao trình độ, cân bằng về thu nhập với nam giới.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng, cần quan tâm giới nữ hơn ở một số lĩnh vực mang tính chất chủ chốt, cơ bản để người phụ nữ phát huy hết khả năng của mình. Theo đại biểu, trong xu thế phát triển hiện nay và cùng với chủ trương của Đảng, cần quan tâm chỉ tiêu phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị, cán bộ làm công tác chủ chốt. "Chỉ cần công tác cán bộ làm tốt, đủ chỉ tiêu thì chắc chắn các chỉ tiêu khác dễ dàng thực hiện hơn", đại biểu nhấn mạnh.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách, ra quyết định; đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng, có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, lần đầu tiên vượt trên 30% kể từ Quốc hội khóa VI, từ thứ 71 vươn lên vị trí thứ 55 trên thế giới, thứ 4 châu Á. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã.
Các đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”; triển khai có hiệu quả các đề án, chính sách, giải pháp để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh; thích ứng với già hóa dân số, công nghệ số, thu nhập, việc làm, biến đổi khí hậu và giảm khoảng cách giới.
Các bộ, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới; quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động, nội dung về bình đẳng giới, lập ngân sách có trách nhiệm giới trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới.