Để các dòng sông thêm xanh

24/03/2017 05:00

Thời gian qua, hệ thống sông ngòi trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.



Nước sông ô nhiễm ảnh hưởng rất lớn tới nghề nuôi thủy sản

Để các dòng sông luôn trong xanh rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự chung tay đồng thuận của người dân và doanh nghiệp trong các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT).

Báo động

Tùy theo thời điểm quan trắc, tại các khu vực đầu nguồn sông Thái Bình và một số đoạn sông thuộc các sông Kinh Thầy, Kinh Môn, Đông Mai, Văn Úc và sông Luộc bị ô nhiễm Amoni (NH4+-N), Nitrit (NO2--N)... không thường xuyên. Mức độ ô nhiễm vượt từ 1,3 - 1,5 lần. Đặc biệt, Hải Dương là điểm cuối nguồn, hứng chịu tất cả lượng nước ô nhiễm từ các con sông thuộc lưu vực sông Cầu chảy về. Kết quả quan trắc môi trường cho thấy môi trường nước mặt lưu vực sông Cầu đã bị ô nhiễm cục bộ. Bắt đầu từ đoạn chảy qua thị xã Bắc Cạn về hạ lưu, các thông số BOD5, NH4, TSS vượt quy chuẩn về chất lượng nước mặt từ 5-10 lần. Cũng trên lưu vực sông Cầu, môi trường nước sông thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang ô nhiễm tới mức được các cơ quan chức năng khuyến cáo không sử dụng cho mục đích sinh hoạt, chỉ dùng nuôi thủy sản và mục đích tương đương khác.

Tại hệ thống sông Bắc Hưng Hải và các tuyến kênh mương nội đồng, ô nhiễm Amoni, Nitrit đã ở mức độ nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp và các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nguyên nhân gây ô nhiễm chính của hệ thống sông Bắc Hưng Hải là nguồn nước sông Cầu Bây (Hà Nội) đã bị ô nhiễm nặng do tiếp nhận nước thải của rất nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề tái chế nhựa… xả xuống sông rồi chảy qua tỉnh Hưng Yên đổ về sông Cửu An. Nước của hệ thống sông này vẫn đang được sử dụng làm nguồn sản xuất nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân trong tỉnh. Đặc biệt, kết quả quan trắc, phân tích môi trường nước định kỳ ở 17 tuyến kênh mương nội đồng trong tỉnh cho thấy hầu hết đã bị ô nhiễm như kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng, trung thủy nông Hoành Sơn, Bá Liễu - Trại Vực, Đại Phú Giang, Hồng Đức… Trên những tuyến kênh này, nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần như NO2-N vượt từ 1,4-8,7 lần; E.coli vượt từ 1,1-7,5 lần; NH4+-N vượt từ 1,2-10 lần; COD, BOD5, F- vượt từ 1,1 - 1,5 lần… Nước kênh nội đồng ô nhiễm ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản của người dân.

Cần giải pháp đồng bộ


Kết quả quan trắc của cơ quan chuyên môn cho thấy nhiều tuyến kênh nội đồng đã trở thành kênh "chết". Nước sông ngoài cũng xuất hiện những dấu hiệu ô nhiễm. Sản xuất và sinh hoạt của người dân đã bị ảnh hưởng. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền các cấp cần có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả để bảo vệ và cải thiện môi trường các tuyến sông. Trước mắt, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong công tác BVMT. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật môi trường, không bảo đảm các thủ tục về môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án, kế hoạch BVMT...



Kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng bị ô nhiễm nặng

Ông Vũ Đình Hiền, Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hải Dương cho rằng cần sự phối hợp một cách chủ động, tích cực của các địa phương thuộc lưu vực sông Cầu nhằm giảm thiểu nguồn xả thải, bảo đảm chất lượng nước thải trước khi xả vào các sông. Cơ quan chuyên môn cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật BVMT và các quy định của UBND tỉnh. Kiên quyết đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng kéo dài nhưng không đầu tư các hạng mục kỹ thuật để xử lý đạt quy chuẩn môi trường cho phép theo tiến độ quy định. Tập trung đầu tư các thiết bị quan trắc, phân tích môi trường cho các cơ quan chuyên môn; đầu tư hạ tầng ngoài khu công nghiệp; xây dựng cơ chế đầu tư hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp, đặc biệt là hệ thống thu gom, xử lý nước thải, bảo đảm đạt quy chuẩn.


Để BVMT các dòng sông điều quan trọng nhất vẫn xuất phát từ ý thức chủ quan của mỗi tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Chỉ có ý thức tự giác của người dân và doanh nghiệp, các dòng sông mới được bảo vệ một cách bền vững.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để các dòng sông thêm xanh