- Chọn giống cà chua phù hợp: Vụ cà chua đông thường gặp nhiệt độ cao, mưa lớn giai đoạn cây con đến quả non làm cho cà chua dễ nhiễm các bệnh vi -rút xoăn lá, bệnh héo vàng do nấm, héo xanh vi khuẩn. Có thể chọn một trong các giống sau: Kim Cương số 2, Đại Minh Châu, Nông Hữu 209, P/S BM 199F1, VL.2000, Pháp xanh, F1Challager, C115...
- Bố trí trồng cà chua trên chân ruộng tốt, nhiều màu, chủ động nước, luân canh với cây trồng khác (vụ trước không trồng các cây họ cà). Tốt nhất là chân đất 2 lúa hoặc lúa xuân - mạ mùa.
- Bón phân cân đối, sử dụng nhiều phân hữu cơ hoai mục để bón cho cà chua vụ này. Tuyệt đối không dùng phân chuồng tươi để bón lót hoặc tưới thúc cho cà chua, vì trong phân chuồng tươi thường chứa nhiều nấm và vi khuẩn gây bệnh.
- Che phủ mặt luống bằng ni-lông hai mặt hoặc rơm, rạ, thân lá cây xanh để giữ ẩm, chống xói mòn, rửa trôi đất.
- Giai đoạn sinh trưởng đầu từ khi trồng đến ra hoa bón ít đạm, cân đối với ka- li để thân cây mập, thấp, nhanh ra hoa. Thời kỳ quả non và sau mỗi đợt thu quả cần bón thúc đạm và ka-li tỷ lệ 1 đạm- 1,5 ka-li đồng thời phun thêm một trong các chế phẩm phân bón qua lá như: K-H701/702; BiO-Plant; K-Humate… giúp cho cà chua sai hoa, đậu nhiều quả, mẫu mã quả đẹp, tăng 10-15% năng suất quả.
- Sử dụng một số loại phân bón mới như Neb-26, Penac P có tác dụng cải thiện hệ vi sinh vật có ích trong đất, làm đất tơi xốp và gia tăng sức chống bệnh cho cà chua.
Cách sử dụng như sau: Giai đoạn cây con, phun ướt hạt cà chua đã ngâm ủ nứt nanh, để hong khô trong bóng râm sau đó đem gieo. Phun cho cà chua con 2 lần lúc có 1,5 lá thật và trước trồng 1-2 ngày. Khi trồng ra ruộng sản xuất, phun lần 1 sau trồng 7 ngày và những lần sau cách nhau 12-15 ngày.
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)