DDCI có nhiều ưu điểm

27/12/2019 09:00

Hải Dương cần sớm áp dụng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở ngành để giúp tỉnh chấn chỉnh kịp thời những hạn chế ở các huyện, thị xã, thành phố và sở, ngành...


Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở ngành (DDCI) sẽ góp phần cùng với PCI cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở ngành (District and Department Competitiveness Index - DDCI) là bộ chỉ số được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện và sở ngành, những cấp có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế trên địa bàn như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, HTX và các nhà đầu tư. Hải Dương vẫn đang nghiên cứu để áp dụng bộ chỉ số này như một số địa phương khác.

Công cụ hữu ích

Năm 2013, tổ chức tư vấn, phân tích chính sách và quản lý kinh tế Economica Vietnam và UBND tỉnh Lào Cai lần đầu tiên triển khai xây dựng DDCI. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc hình thành và xây dựng bộ khung chỉ số về đánh giá các lĩnh vực quản lý và điều hành kinh tế ở cấp địa phương và sở ngành. Tại Lào Cai, DDCI đã được thực hiện liên tục trong những năm qua và trở thành công cụ quan trọng cho công tác điều hành của tỉnh này, hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, góp phần để địa phương này liên tục duy trì được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong những năm vừa qua.

DDCI khác biệt với PCI về cơ bản ở đối tượng và phương pháp đánh giá. Với phạm vi nhỏ, bộ chỉ số này gồm nhiều chỉ số thành phần để so sánh giữa các địa phương, sở ngành, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý và điều hành kinh tế ở cấp tỉnh và huyện. DDCI dựa trên nền tảng là sự kỳ vọng của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với các cơ quan chính quyền cấp huyện, sở ngành.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ năm 2013 đến năm 2018, số tỉnh triển khai DDCI liên tục tăng. Nếu như từ năm 2013 đến năm 2015 mới chỉ có một vài địa phương như Lào Cai, Kiên Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Ninh tiến hành thì đến cuối năm 2018 đã có 28 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai. Có những tỉnh nhiều năm liên tục thực hiện và công bố kết quả DDCI như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Tuyên Quang… Việc thực hiện bộ chỉ số này đã góp phần cải thiện và củng cố vị trí xếp hạng của những địa phương này trong bảng xếp hạng PCI những năm vừa qua.

DDCI đã trở thành một trong những nội dung ưu tiên trong chỉ đạo và điều hành của các tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. 


Hải Dương đã triển khai thí điểm đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở ngành (DDCI) vào năm 2018 nhưng do nhiều nguyên nhân nên không được tiếp tục. Trong ảnh: Cán bộ các sở giải quyết thủ tục hành chính cho công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Vận dụng thực hiện tại Hải Dương

Hải Dương đã tiếp cận và nghiên cứu DDCI từ năm 2016. Qua 2 năm tìm hiểu phương pháp và cách thức vận dụng phù hợp, năm 2018, Hải Dương đã triển khai thí điểm thực hiện bộ chỉ số này tại các sở ngành trong tỉnh. Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Tổ công tác PCI tỉnh cho biết: "Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn áp dụng DDCI tại một số tỉnh, thành phố, Hải Dương đã triển khai thí điểm đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở. Kết quả đánh giá nhận được nhiều phản hồi tích cực, từ đó giúp các đơn vị hoàn thiện công tác quản lý, điều hành".

Ở các địa phương áp dụng DDCI, việc triển khai thực hiện được giao cho cơ quan nghiên cứu, lập báo cáo độc lập. Tại Quảng Ninh, Tổ công tác PCI của tỉnh phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và đơn vị nghiên cứu độc lập triển khai. Tại Bắc Ninh, đơn vị chủ trì công việc này là Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Đặc điểm của DDCI là sự đánh giá, so sánh giữa các huyện, thị, thành phố và sở ngành, do vậy nếu các đơn vị này tự đánh giá sẽ khó bảo đảm tính khách quan, công bằng. Đây cũng là lý do khiến việc thí điểm triển khai DDCI tại Hải Dương không được tiếp tục.

"Các địa phương không hoặc chưa áp dụng DDCI không có nghĩa là họ không thể cải thiện năng lực quản lý, điều hành. Bộ chỉ số PCI về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư song không thể phủ nhận tầm quan trọng của DDCI", ông Hiền nhận xét. DDCI có những ưu điểm riêng, khác biệt với PCI. Bộ chỉ số này đi sâu vào phân tích, đánh giá cụ thể, chi tiết những mặt được và chưa được của từng huyện, thị xã, thành phố và từng sở ngành, từng tập thể hay cá nhân. Qua đó tạo điều kiện giúp tỉnh phát huy lợi thế cũng như chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót của cấp huyện và sở ngành. 

Để thực hiện DDCI tại Hải Dương một cách toàn diện, việc đầu tiên cần làm là giao việc chủ trì triển khai cho một đơn vị độc lập. Đó có thể là hội, hiệp hội doanh nghiệp để bảo đảm tính khách quan trong thu thập thông tin, đánh giá và phân tích. Dự kiến thời gian tới, Hải Dương sẽ tổ chức một số cuộc hội thảo nhằm tiếp thu bài học từ những chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm triển khai hiệu quả DDCI tại một số địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh… Từ đó tạo điều kiện thuận lợi hướng tới mục tiêu triển khai DDCI vào năm 2020.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    DDCI có nhiều ưu điểm