Dạy võ ở làng quê

17/07/2016 06:35

Các lớp võ được mở ra nhiều hơn và thường tập trung vào mùa hè đã tạo ra sân chơi lành mạnh, rèn luyện thể chất, tinh thần cho các em.



Lớp võ Vovinam ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) có 27 học viên

Vài năm gần đây, võ thuật đã không còn xa lạ với nhiều thanh thiếu nhi nông thôn. Các lớp võ được mở ra nhiều hơn và thường tập trung vào mùa hè đã tạo ra sân chơi lành mạnh, rèn luyện thể chất, tinh thần cho các em.

Nở rộ

4 giờ chiều thứ 6 ngày 8-7, các môn sinh võ Vovinam do thầy Hà Việt Khoa hướng dẫn tập trung đông đủ tại sân Trường Tiểu học xã Ứng Hòe (Ninh Giang). Ðây là năm thứ tư lớp dạy võ của thầy Khoa được tổ chức. Lớp năm nay có 27 học viên. Các em được luyện tập ngay tại xã, không phải lên thị trấn Ninh Giang như trước đây. Lớp học bắt đầu từ mùa hè và sẽ kết thúc trước thời điểm học sinh bước vào năm học mới. Mức học phí của 1 buổi học là 10.000 đồng. 

Hè năm nay, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Ninh Giang còn mở thêm 5 lớp dạy võ tại xã Tân Hương và thị trấn Ninh Giang. Mỗi lớp có khoảng 30-40 học sinh từ 9-18 tuổi, chủ yếu là các em nam. Trước kỳ nghỉ hè, lịch học của các lớp được thông báo tới một số trường học và thông qua hệ thống loa phát thanh của xã, thị trấn để các em biết, đăng ký tham gia. Số lượng lớp và người học võ tăng dần qua các năm. 4 năm trước, huyện Ninh Giang chỉ có 2-3 lớp dạy võ, tập trung ở thị trấn Ninh Giang.

Hiện nay, huyện Kim Thành đang duy trì một số lớp dạy võ tại xã Cổ Dũng, Ðồng Gia và thị trấn Phú Thái. Khác với huyện Ninh Giang, các lớp dạy võ ở Kim Thành diễn ra trong suốt cả năm. Lớp được duy trì luyện tập lâu nhất cũng được khoảng 4 năm nay.

Tại nhiều địa phương khác, võ thuật cũng thu hút người trẻ. Trong mùa hè, huyện ít cũng mở 1 lớp, nơi nhiều có 5-6 lớp võ thuật.

Rèn luyện sức khỏe

So với các lớp học bơi lội, âm nhạc, hội họa, múa… thì các lớp võ thuật có nhiều thuận lợi hơn khi tổ chức ở nông thôn. Yêu cầu cơ sở vật chất của môn này cũng khá đơn giản, nơi tập thường là sân UBND xã, thị trấn hoặc sân trường. Học phí phù hợp với mức thu nhập của các phụ huynh. Khi học võ, các em không chỉ được rèn luyện về thể chất, tăng cường sự dẻo dai của cơ bắp, nâng cao sức khỏe mà còn được rèn luyện về tinh thần, tính cách. Em Nguyễn Minh Chiến (17 tuổi) ở xã Ứng Hòe cho biết: “Từ nhỏ, em đã rất yêu thích võ thuật. Cách đây 3 năm, thông qua một người bạn nên em biết lớp võ của thầy Khoa. Từ khi học, em cảm thấy sức khỏe của mình ngày càng tốt lên, đồng thời em rèn được sự kiên trì, nhẫn nại. Trước mỗi sự việc, tình huống, em đã suy nghĩ thấu đáo hơn để đưa ra cách xử lý phù hợp chứ không còn nóng vội như trước đây”. Nhận thấy những lợi ích của võ thuật, mỗi khi mùa hè đến Chiến lại rủ thêm một số bạn bè tham gia và em luôn cảm thấy hứng khởi khi trình độ võ thuật của mình ngày càng được nâng cao. Cũng chính vì lợi ích của môn võ mà nhiều phụ huynh đã đăng ký cho con theo học.

Ðam mê võ thuật cũng góp phần giúp các em tránh xa những nguy hại, không bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo vào những tệ nạn xã hội, nghiện game online...

Anh Vũ Thế Hoàng, Trưởng bộ môn võ thuật của Trung tâm Ðào tạo, Huấn luyện thể thao tỉnh cho biết: Các lớp dạy võ được tổ chức ở nông thôn góp phần để trung tâm phát hiện, bồi dưỡng những em có năng khiếu trở thành vận động viên sau này. Trung tâm thường lựa chọn một số huyện có phong trào võ thuật phát triển mạnh như Kim Thành, Nam Sách, Cẩm Giàng để chọn lựa, bồi dưỡng vận động viên chuyên nghiệp.

HUYỀN TRANG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy võ ở làng quê