Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng với số lượng phạm nhân trong độ tuổi lao động chiếm đa số thì việc dạy nghề và tổ chức lao động cho phạm nhân là vô cùng quan trọng.
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn chỉ ra 4 nội dung cần sửa đổi trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Ngày 3.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam và thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Phát biểu thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhất trí cần thiết ban hành nghị quyết với những cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn đã được nêu đầy đủ và thuyết phục trong tờ trình của Chính phủ.
Theo đại biểu, việc tổ chức hoạt động lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mục đích của hình phạt tù mà Bộ luật Hình sự hướng đến không chỉ trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục, ngăn ngừa tái phạm. Việc thi hành án hình sự của người chấp hành án không chỉ dừng thời gian giam giữ mà còn ở việc sau khi được ra tù họ tái hòa nhập cộng đồng ra sao. Với số lượng phạm nhân trong độ tuổi lao động chiếm đa số thì việc dạy nghề và tổ chức lao động cho phạm nhân là vô cùng quan trọng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với phạm vi, đối tượng được quy định trong dự thảo nghị quyết và các nguyên tắc thực hiện thí điểm mô hình này. Thời gian thí điểm 5 năm là hợp lý, cần đánh giá hiệu quả mô hình cả sau khi phạm nhân ra tù. Đây là một việc phức tạp, liên quan đến quản lý phạm nhân và tác động tới cuộc sống của cộng đồng dân cư xung quanh.
Để khắc phục khó khăn này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị giao thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cho Bộ Công an thay vì cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an vì đây là mô hình cần rà soát kỹ lưỡng để tránh hậu quả nguy hiểm. Việc tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phức tạp hơn trong trại giam nên có thể quy định khác với quy định về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tổ chức lao động cho phạm nhân trong trại giam tại khoản 1, điều 33 Luật Thi hành án hình sự.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động, xây dựng cơ cấu ngành nghề hợp lý để hợp tác với tổ chức, cá nhân. Quan tâm chú trọng nhóm ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với phạm nhân. Bộ Công an cần theo dõi, đánh giá hiệu quả mô hình này không chỉ thông qua hoạt động của mô hình mà còn qua việc phạm nhân hết hạn tù có tiếp tục phát huy được nghề đã được dạy không.
4 nội dung cần sửa đổi trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Qua nghiên cứu, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp nhận thấy dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cơ bản thể chế được chính sách về hoạt động dầu khí, kế thừa và phát triển quy định Luật Dầu khí hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Tuy nhiên có 4 nội dung cần sửa đổi để bảo đảm tính chính xác và tính khả thi của luật.
Thứ nhất, về việc áp dụng Luật Dầu khí, khoản 2 điều 4 dự thảo luật quy định "Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thì thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí" là không cần thiết bởi nội dung này đã được quy định thành nguyên tắc trong áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật.
Thứ hai, khái niệm "cơ sở hạ tầng" trong khoản 5 điều 5 dự thảo luật về việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành dầu khí chưa được quy định chi tiết.
Thứ ba, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị luật cần quy định cụ thể, rõ ràng và đầy đủ quyền, nghĩa vụ của nhà thầu, không nên quy định chung mang tính chất điều, khoản “quét” các quyền và nghĩa vụ còn lại của các nhà thầu như quy định tại điểm l khoản 1 điều 50 và khoản 13 điều 51. Đại biểu đề nghị điều 50 khoản 1 điểm i bổ sung thêm cụm từ “Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế” để phù hợp và thống nhất với điều 51 khoản 10 của dự thảo luật.
Thứ tư, về vấn đề luật giao các chủ thể quy định chi tiết một số nội dung, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị quy định cụ thể về các “điều kiện” như điều kiện lập kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí; xác định tiêu chí vùng nước sâu, xa bờ, khu vực có điều kiện địa lý đặc biệt khó khăn... Những quy định về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ... nên giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết để linh hoạt khi áp dụng trong thực tiễn.
PHONG TUYẾT