Đó là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp sáng 21.2.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị
Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định đây là một hội nghị rất quan trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra. Nông nghiệp nước ta những năm gần đây đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới cũng như nhiều mặt hàng chất lượng khác. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế mà ngành nông nghiệp cần khắc phục trong thời gian tới. Một số khâu như thu hoạch, chế biến, bảo quản… chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Đặc biệt, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa toàn diện...
Để phát triển nông nghiệp tương xứng với tiềm năng sẵn có, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị, chất lượng. Tìm giải pháp để giảm một số chi phí như vận chuyển, logistics… nhằm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản chủ trì hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hải Dương
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các gói ưu đãi tín dụng dành cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư trong các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ giới hóa nông nghiệp. Các cấp, các ngành liên quan quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu cho nông sản Việt Nam, từ đó quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn, giảm thiểu tối đa sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Tăng cường đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực, không chỉ đối với lao động sản xuất trực tiếp mà cả đội ngũ quản lý, nhất là trong kỷ nguyên số hiện nay. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ở trong nước cũng như thế giới, nhất là trong bối cảnh Nghị viện châu Âu vừa thông qua Hiệp định EVFTA. Đẩy mạnh các mô hình liên kết trong phát triển và tiêu thụ nông sản.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp thu, vận dụng phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là các HTX, hộ nông dân phát triển nông nghiệp. Các địa phương cần chủ động tìm hướng đi riêng, phù hợp tình hình thực tế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
Hải Dương hiện có hơn 12.000 cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Số lượng, chủng loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư với hơn 8.400 máy làm đất, hơn 5.300 máy gieo hạt, máy cấy, hơn 1.600 máy thu hoạch.... Mức độ cơ giới hóa nông nghiệp dần được cải thiện.
HÀ KIÊN