Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng cần quyết liệt thực hiện việc tổ chức lại, sắp xếp, sáp nhập các cơ quan báo chí.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị bỏ từ “khuyến khích” trong định hướng tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí (Ảnh Cổng thông tin điện tử Quốc hội)
Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 7.1 trong chương trình Kỳ họp bất thường thứ hai, Quốc hội khóa XV về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đại biểu đánh giá bản quy hoạch đã xác định hướng phát triển các cơ quan báo chí rõ ràng, chính xác và khoa học với mục tiêu “tổ chức, sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản, in”. Tuy nhiên, để thực hiện tốt định hướng này, nếu chỉ là “khuyến khích” tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí theo hướng hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng thì chưa có tính quyết liệt.
“Nếu chỉ dừng ở mức độ “khuyến khích” thì tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Tôi đề nghị trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội cũng bỏ từ “khuyến khích” trong nội dung “khuyến khích tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, ngành trung ương…”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị.
Dẫn số liệu từ thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông tính đến hết tháng 12.2022, cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng việc tổ chức lại, sáp nhập và hợp nhất các cơ quan báo chí là việc rất cần phải thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới. Vì vẫn theo đánh giá của Bộ này, hoạt động của nhiều cơ quan báo chí còn chồng chéo, nhiều vi phạm.
Đóng góp ý kiến về định hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng quy hoạch hiện chỉ tập trung chú ý định hướng phát triển mạng lưới thể thao thành tích cao. Cụ thể, hướng đến có một số công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm các điều kiện để sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn của châu Á và thế giới, định hướng bố trí mạng lưới cơ sở đào tạo chất lượng cao. Tuy nhiên, quy hoạch này chưa quan tâm đến phát triển thể thao quần chúng qua việc định hướng dành quỹ đất để bố trí hệ thống các điểm tập luyện thể thao cộng đồng.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng ở Việt Nam và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm khoảng trên 70% gánh nặng bệnh tật, là yếu tố tăng nặng và dẫn đến tử vong trong trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm như Covid-19. Một trong những cách cơ bản phòng tránh tốt nhất sự xuất hiện của các bệnh không lây nhiễm là tăng cường vận động thể lực, tích cực tham gia thể dục thể thao. Do đó, cần quan tâm đúng mức tới việc phát triển thể dục thể thao quần chúng, luyện tập thể dục thể thao cộng đồng; vừa góp phần nâng cao thể chất, tầm vóc con người Việt Nam, vừa giảm gánh nặng cho ngành y tế, gia tăng chỉ số hạnh phúc với việc kéo dài tuổi thọ và thời gian sống khỏe mạnh của con người như trong mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của bản quy hoạch tổng thể đã nêu.
PHONG TUYẾT