Việc lần đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu trên "sàn thương mại điện tử xuyên biên giới" do người Việt Nam vận hành đang cho thấy hướng đi đúng đắn với hàng loạt cơ hội.
Đoàn xe chở vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất khẩu sang thị trường EU
Cơ hội từ thương mại điện tử
Vụ thu hoạch vải thiều Bắc Giang năm nay vừa được mùa, vừa được giá, với tổng sản lượng tiêu thụ đạt hơn 215.000 tấn (tăng 30,8% sản lượng so với năm 2020). Giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân đạt 19.800 đồng/kg, tổng doanh thu đạt khoảng 6.800 tỷ đồng. Trong đó, xuất khẩu đạt 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ).
Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ bằng phương thức bán hàng mới qua thương mại điện tử. Thực tế, thương mại điện tử chính là một trong những yếu tố giúp quả vải Bắc Giang vượt qua được những khó khăn về dịch bệnh.
Không chỉ vải thiều, mà các nông sản khác tại nhiều địa phương đã được đưa lên sàn thương mại điện tử và đem lại hiệu quả tích cực, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, năm 2021 là năm lần đầu tiên Bộ Công Thương triển khai chương trình hỗ trợ nông sản có sự tham gia của 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cho sự kiện “vải thiều Bắc Giang” bao gồm: Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee và Lazada/Foodmap, bên cạnh sự đồng hành của các đơn vị chuyển phát và các kênh phân phối truyền thống như BigC, Vinmart.
Để đồng hành cùng người nông dân cũng như quảng bá trái cây Việt Nam, Bộ Công thương đang tiếp tục phối hợp với các sàn thương mại điện tử tổ chức các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” với các sự kiện như: Ngày đặc sản Sơn La, Ngày hội xứ Dừa - Đặc sản Bến Tre, Phiên chợ nông sản Việt, Tuần nông sản Việt, đi chợ online… với hàng chục loại nông sản các vùng miền địa phương.
Từ nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng quốc tế
Không chỉ với thị trường nội địa, Bộ Công thương đã phối hợp với Viettel Post xuất khẩu hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang sang Đức trên nền tảng Voso Global. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được nông sản tươi sang châu Âu trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới do người Việt Nam xây dựng và vận hành.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ Công thương đang hoàn thiện thêm các thủ tục cần thiết để có thể xuất khẩu thêm một số nông sản qua phương thức “thương mại điện tử xuyên biên giới” từ nhà sản xuất Việt Nam tới tận tay người tiêu dùng nước ngoài.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Tới đây, không chỉ là 3 tấn vải thiều, mà sẽ là con số lớn hơn nhiều, không chỉ với vải thiều Bắc Giang, mà còn với nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam đến tay người tiêu dùng quốc tế”.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mặc dù đã làm tốt công tác đàm phán để cắt giảm thuế quan, tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa tiếp cận các thị trường, song công tác đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nhiều thị trường giảm thuế về 0%, nhưng nông sản vẫn chưa thâm nhập được.
Bộ Công thương khuyến cáo, để tiếp tục đưa được nhiều loại trái cây Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, nông dân cũng như doanh nghiệp nông nghiệp cần thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm… trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến, để có sản phẩm nông sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hộ sản xuất, doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu cần chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, hoàn thiện “chuỗi giá trị” từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng sản phẩm luôn ở mức tốt nhất, bảo đảm các tiêu chí mà các thị trường có nhu cầu nhập khẩu đưa ra.
Bộ Công thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp cùng sàn thương mại điện tử Voso, cùng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông hỗ trợ hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục kiểm dịch và kiểm định chất lượng cho hàng hóa, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu. Thương mại điện tử xuyên biên giới có thể sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đã ký kết các hiệp định CPTPP, EVFTA… |
Theo báo Tin tức