Năm năm qua, ngành y tế tỉnh có bước phát triển toàn diện trên các mặt, đạt nhiều thành tích tiêu biểu trong công tác khám, chữa bệnh... và trở thành tỉnh có chất lượng công tác y tế hàng đầu ở phía Bắc.
|
Ngành y tế trang bị nhiều máy móc, áp dụng kỹ thuật hiện đại vào việc khám, chữa bệnh. Ảnh: TC
|
Trong giai đoạn 2005-2010, ngành y tế tỉnh ta đã có bước phát triển toàn diện trên các mặt: nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị... Ngành đã đạt nhiều thành tích tiêu biểu trong công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm, Hải Dương trở thành tỉnh có chất lượng công tác y tế hàng đầu ở phía Bắc.
Bộ máy của ngành y tế ngày càng được củng cố, thống nhất, mở rộng: Công tác dân số - KHHGĐ chuyển về ngành y tế quản lý và điều hành; thành lập mới Bệnh viện Nhi, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Hệ thống các cơ sở y tế ngoài công lập phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh có 1.407 cơ sở hành nghề y dược tư nhân được cấp phép hoạt động, tăng 218 cơ sở so với năm 2006. Các dịch vụ y tế được mở rộng đã tạo cơ hội lựa chọn cho nhân dân, giảm quá tải cho các cơ sở y tế công lập.
Đội ngũ y, bác sĩ gia tăng về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2010, tỷ lệ bác sĩ/10 nghìn dân đạt 6,04, tăng 1,04 bác sĩ so với năm 2006. Tỷ lệ bác sĩ công tác thường xuyên tại trạm y tế cơ sở đạt 76,4%, tăng hơn 14% so với năm 2006. Đặc biệt, có 344 bác sĩ có trình độ trên đại học, trong đó có 4 tiến sĩ, 62 thạc sĩ, tăng gấp đôi so với năm 2006; 18 bác sĩ chuyên khoa II, tăng 7 người so với năm 2006; 260 bác sĩ chuyên khoa I, tăng 86 người so với năm 2006.
|
Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Sách sớm triển khai kỹ thuật cao, liên kếtđầu tư máy chụp cắt lớp vi tính chẩn đoán bệnh. Ảnh: Mai Anh |
Hoạt động xã hội hóa y tế được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. 100% bệnh viện công có khu dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thu hút vốn đầu tư từ cán bộ, nhân viên hoặc liên doanh, liên kết để đầu tư lắp đặt thiết bị, máy móc hiện đại. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động từ xã hội hóa đạt gần 100 tỷ đồng. Điển hình như Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã liên doanh lắp đặt 18 trang, thiết bị kỹ thuật, trong đó có nhiều kỹ thuật cao như máy siêu âm màu, cộng hưởng từ, máy tán sỏi ngoài cơ thể… Bệnh viện Đa khoa TP Hải Dương liên doanh lắp đặt 12 máy chạy thận nhân tạo. Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc liên doanh đặt máy sinh hóa tự động… Một số dịch vụ ngoài chuyên môn ở các cơ sở y tế công lập được chuyển giao cho tư nhân thực hiện như bảo vệ, giặt là, vệ sinh… Các cơ sở y tế công lập (kể cả các trạm y tế cơ sở) hợp đồng với cán bộ y tế đã nghỉ hưu có trình độ tay nghề cao để tận dụng kinh nghiệm, tay nghề nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh...
Phong trào xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Tính đến hết năm 2009, toàn tỉnh có 215 xã chuẩn quốc gia về y tế, đạt 81,75%, tăng 38,02% so với năm 2005. Hiệu quả rõ rệt nhất từ phong trào xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế là trên 70% số trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, xây mới, đạt tiêu chuẩn quốc gia. 100% số trạm y tế xã đủ nhân lực theo cơ cấu tối thiểu, 100% số trạm y tế cơ sở có y sĩ sản, nhi; mỗi trạm có 70% số trang, thiết bị theo quy định của Bộ Y tế; 74,5% số trạm có nhà chính kiên cố cao tầng; 95% số trạm y tế có đủ diện tích đất quy định. 100 % số thôn có nhân viên y tế. Đây là nền tảng cơ bản góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.
Đáng phấn khởi là vấn đề xử lý chất thải vốn là bức xúc của ngành y tế, nay đã tìm ra lời giải. Tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư cho vấn đề xử lý nước thải và chất thải y tế, bảo vệ môi trường sống trong và xung quanh các cơ sở y tế công lập. Hải Dương là tỉnh đứng đầu toàn quốc về xử lý chất thải y tế. Hiện tại, 100% số bệnh viện công lập và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã có lò đốt rác thải y tế và hệ thống xử lý nước thải y tế.
Ngành đã triển khai dự án nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng được Bộ Y tế xếp vào tốp đầu của cả nước. Nhờ đó đã chủ động ngăn chặn và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn tỉnh như cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), sốt xuất huyết... Dịch tiêu chảy cấp xảy ra trong mấy năm gần đây đã được khống chế nhanh, không để xảy ra tử vong do dịch. Kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia đạt cao: Luôn duy trì trên 99% số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng mở rộng (vượt tỷ lệ chung của toàn quốc khoảng 4%), bảo đảm an toàn trong tiêm chủng. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 18,5%, giảm 5% so với năm 2006. Duy trì thanh toán bệnh phong. Không có bệnh nhân sốt rét nội địa và không có người tử vong do sốt rét. Không có uốn ván sơ sinh; không có người mắc và chết do bệnh dại; duy trì kết quả thanh toán bại liệt, bệnh phong...
Chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân được duy trì và ngày càng nâng cao ở tất cả các tuyến. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.067 giường bệnh, tăng 1.322 giường so với năm 2006. Nhiều tiến bộ khoa học hiện đại đã được áp dụng vào việc khám, chữa bệnh cho nhân dân như hệ thống chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm màu, chụp cắt lớp, tăng sáng truyền hình, nội soi hô hấp, nội soi tiêu hóa (áp dụng đến tuyến huyện). Hoặc các ca phẫu thuật khó như: Phẫu thuật khớp, sọ não, đường mật… Tác phong phục vụ ở các bệnh viện đang ngày càng được cải tiến, đặc biệt là từ khi phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào noi gương Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Hằng năm, các chỉ tiêu khám, chữa bệnh đều đạt và vượt chỉ tiêu. Quyền lợi khám, chữa bệnh của người có thẻ bảo hiểm y tế được bảo đảm tốt hơn. Năm 2010, tổng số lần khám bệnh đạt 1,4 triệu lượt người/năm, tăng 0,2 triệu lượt người/năm; trong đó số lượt bệnh nhân điều trị nội trú tăng 38 nghìn lượt; tổng số lần xét nghiệm tăng hơn 1,1 triệu lượt… so với năm 2006. Hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền luôn đạt 110-120% kế hoạch năm. 100% số bệnh viện huyện và trên 70% số trạm y tế xã có vườn thuốc nam mẫu.
Ngành y tế luôn chủ động bảo đảm đủ thuốc phục vụ phòng, chống dịch, cấp cứu và điều trị bệnh nhân, duy trì tốt công tác kiểm nghiệm thuốc. Tăng cường công tác sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, tiết kiệm và tránh lạm dụng thuốc. Do đó, chưa xảy ra tai biến nghiêm trọng trong dùng thuốc và vắc-xin sinh phẩm, chưa phát hiện thuốc giả lưu hành.
Về kinh nghiệm nâng cao chất lượng công tác y tế, đồng chí Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Y tế đánh giá khái quát: Ngành đã làm tốt chức năng tham mưu với UBND tỉnh để xây dựng một loạt đề án, dự án phát triển ngành y tế trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó thu hút các nguồn vốn đầu tư, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đồng thời phát huy nội lực gắn với hoạt động thi đua yêu nước để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra…
Tuy nhiên, hoạt động của ngành y tế vẫn còn một số hạn chế, như: Dịch bệnh nguy hiểm như tiêu chảy cấp, H5N1 vẫn xuất hiện. Dịch bệnh HIV/AIDS ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng, nhiều vụ đông người mắc. Thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học ở tất cả các tuyến, ảnh hưởng đến chất lượng công tác khám, chữa bệnh. Tỷ lệ sinh con thứ ba và mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng gia tăng…
MAI LIÊN