Bầu trời xanh vẫn có lác đác đám mây đen, đây là sự cảnh báo cho chúng ta về những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, vẫn có trẻ em chưa được bảo vệ. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đẩy lùi các đám mây đen này.
Thông điệp trên được Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 ngày 1.6.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 có chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em", nhằm vận động sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức chính trị, xã hội, gia đình và cộng đồng vào việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng chống xâm hại trẻ em.
Phát biểu trước 500 học sinh Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), trẻ em Làng trẻ em SOS Hà Nội, cùng đại diện các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhà trường và gia đình luôn luôn dành cho trẻ em sự quan tâm đặc biệt, dành những gì tốt nhất cho trẻ em.
Mới đây, Quốc hội dành nguyên một ngày để họp bàn về giám sát tối cao về phòng chống xâm hại trẻ em. Tiếp đó, ngày 26.5 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em…
Tuy nhiên, "bầu trời xanh vẫn lác đác có những đám mây đen, tuy rất ít nhưng lại là sự cảnh báo cho chúng ta về việc vẫn có những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, vẫn có những trẻ em chưa được bảo vệ. Nhiệm vụ của chúng ta là phải đẩy lùi các đám mây đen dù rất ít này" - Bộ trưởng Dung chuyện trò với 500 học sinh, trẻ em dự lễ phát động.
Học sinh Trường THCS Dịch Vọng (Hà Nội) bày tỏ nguyện vọng được bảo vệ tại lễ phát động tháng hành động vì trẻ em
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em không thể giao phó, trông chờ vào trách nhiệm và nỗ lực của một vài bộ, ngành mà cần có sự thực hiện trách nhiệm cụ thể và phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị, xã hội, gia đình, nhà trường và mỗi người dân.
Để bảo vệ trẻ em tốt hơn, ông Dung cho rằng phải đổi mới căn bản cách tuyên truyền bởi ngay bản thân trẻ em cũng chưa hiểu rõ các quyền của mình thì làm sao có thể tự bảo vệ hay gọi điện đến Tổng đài quốc gia về trẻ em 111 để tố giác.
"Chúng tôi sẽ trao đổi với tổ chức Đoàn, Hội để tới đây có các hình thức tuyên truyền, thậm chí tổ chức các cuộc thi về chủ đề bảo vệ trẻ em. Còn trước mắt, cần thực hiện "3 nhất": phát hiện nhanh nhất các hành vi, biểu hiện xâm hại trẻ em; xử lý nhanh nhất, nghiêm minh nhất; can thiệp nhanh nhất, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em bị xâm hại", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Phát biểu tại lễ phát động, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam kêu gọi "chúng ta hãy tư duy lại về đất nước và thế giới sau đại dịch COVID-19, nơi trẻ em cảm thấy an toàn và có thể phát triển tối đa, không bị xâm hại, bạo lực và bóc lột".
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tháng hành động vì trẻ em là dịp để các cấp chính quyền, địa phương, gia đình và cộng đồng tiếp nhận và quản lý, giám sát trẻ em về hoạt động hè tại thôn, xã và năm 2020.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mong muốn các ngành, các cấp, các đoàn thể, gia đình "tổ chức cho trẻ em một mùa hè an toàn, giảm đuối nước, giảm thiểu các vụ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột".
Theo Tuổi trẻ