Dạy học sinh phát âm l/n sao cho đúng

21/05/2012 09:06

Muốn chữa được tật nói ngọng l/n ta hãy trở lại vài nét cơ bản về ngôn ngữ để từ đó định ra những phương pháp rèn luyện một cách khoa học.

Năm học 2011-2012, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh ta mở cuộc vận động phát âm chuẩn l/n. Nghe nói đến việc rèn phát âm đúng l/n có vẻ giản đơn, dễ làm, song tôi nghĩ, đó là việc không dễ vì nó là cái tật của nhiều người, ở nhiều đời đã mắc. Nó mang tính xã hội.

Muốn chữa được tật nói ngọng l/n ta hãy trở lại vài nét cơ bản về ngôn ngữ để từ đó định ra những phương pháp rèn luyện một cách khoa học.

Từ lâu, các nhà ngôn ngữ học đã khẳng định ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội có tính khách quan vì nó được sinh ra từ xã hội và nó là của chung mọi người, ai cũng phải sử dụng. Nó phát triển theo một quy luật riêng, nhưng không kinh tế hoặc chính trị. Chẳng hạn kinh tế khủng hoảng, chính trị mất ổn định thì ngôn ngữ vẫn ổn định và phát triển.

Các nhà ngôn ngữ học khẳng định như thế là đúng. Tuy nhiên, theo tôi vẫn chưa đủ. Ngôn ngữ không chỉ là hiện tượng xã hội mà còn là một hiện tượng tự nhiên nữa. Bằng chứng là ngôn ngữ trước khi thành từ, thành câu thì nó phải phát ra âm thanh đã. Muốn có âm thanh thì phải có bộ máy phát âm. Cùng nói một câu, ở một chỗ, một lúc nhưng chỉ nghe thôi vẫn biết được người nói là ai. Vậy bộ máy phát âm sinh ra âm thanh với đặc điểm riêng ở từng người là hoàn toàn tự nhiên, ngoài ý muốn của con người, ngoài ý muốn của xã hội.

Muốn rèn luyện học sinh phát âm chuẩn l/n thì việc điều tra thực trạng phát âm sai là rất quan trọng. Lệch chuẩn l/n  thường xảy ra lúc nào (nói hằng ngày hay đọc văn bản), xảy ra trong trường hợp nào? (trường hợp phát âm đơn từ hay đa từ, trường hợp nào hay bị sai?). Trường hợp nào sai nhiều? Còn điều tra cả bộ máy phát âm nữa. Có học sinh nào khiếm khuyết ở bộ máy phát âm không? Còn phải điều tra về mặt xã hội nữa. Đấy là một làng, một vùng cách phát âm có gì đặc biệt? Vì ở Việt Nam ta rất nhiều làng có tiếng nói mang đặc điểm riêng, dẫu đi đâu ở đâu ta vẫn có thể nhận ra đấy là người ở làng ấy làng nọ.
Trên cơ sở điều tra, ta đi vào phân tích nguyên nhân. Trường hợp nào do yếu tố tự nhiên (cấu tạo của bộ máy phát âm không chuẩn)? Trường hợp nào do yếu tố xã hội? Trong nguyên nhân về mặt xã hội thì yếu tố lây truyền là quan trọng nhất. Một gia đình mọi người đều phát âm lẫn lộn l với n thì đứa trẻ sinh ra và lớn lên cũng sẽ phát âm như thế.

Việc phát âm không chuẩn l/n của học sinh nhìn chung mang yếu tố ngẫu nhiên, vô ý thức. Nói cách khác là sự bắt chước một cách vô tình rồi thành thói quen và được lặp đi lặp lại nhiều lần để thành "tật". Cho nên khi phát âm trở thành thao tác tự nhiên của lưỡi. Hiểu được căn nguyên ấy thì biện pháp luyện tập nhiều lần sẽ thành công.

Khi rèn luyện, không nên cho các em khái niệm nặng, nhẹ, cao, thấp. Nhiều người gọi là "lờ cao", "lờ thấp" hoặc "sờ nặng", "sờ nhẹ"... Thế là không chính xác. Chỉ có l thì viết cao và n thì viết thấp còn đã là l thì chỉ có một mà thôi. Cũng như s phải đọc uốn lưỡi nên âm phát ra nặng còn x đọc thẳng lưỡi, âm nhẹ đi. Rất chú ý đến tốc độ phát âm của l và n. Nhiều người hướng dẫn các em đặt đầu lưỡi ở đâu, bật ra như thế nào. Nhưng không chú ý hướng dẫn tốc độ phát âm n rất nhanh còn l thì chậm, nên kết quả bị hạn chế.

Việc phát âm sai l/n dẫn đến viết sai l/n và hậu quả là sai nghĩa. Rõ ràng "ăn no" khác "lo lắng". Nếu câu tục ngữ "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết" mà viết thành "lo" thì câu ấy khác nghĩa đi hoàn toàn. Vì thế khi viết l/n phải tuyệt đối chính xác. Muốn viết đúng thì nhận định phải xuất hiện tư duy phân tích nội dung của từ đó. Đọc sai l/n sửa dễ hơn viết sai l/n, nhất là những từ có cùng âm mà ý nghĩa khác nhau.

Nếu phát âm l/n không chuẩn do tự nhiên, nhìn chung dễ sửa nhưng có trường hợp không sửa được như câm hoặc ngọng bẩm sinh, nói méo tiếng thì chịu. Còn nếu do yếu tố xã hội thì trong phạm vi cá nhân hoặc ít người thì sửa dễ nhưng ở diện rộng cả một làng, một vùng thì không dễ. Chính vì thế nhà trường rèn học sinh phát âm l/n trong lúc môi trường nhiều người nói và viết sai l/n thì thành công sẽ bị hạn chế rất nhiều. Làm thế nào cả làng, cả xã, cả huyện, cả tỉnh, ai cũng có ý thức trong việc nói và viết đúng l/n là chuyện rất khó, không riêng ngành giáo dục và đào tạo mà cả xã hội phải cùng làm và làm liên tục, kiên trì, lâu dài mới hy vọng làm cho Hải Dương chữa khỏi tật nói ngọng l/n.

VĂN DUY(Kinh Môn)

(0) Bình luận
Dạy học sinh phát âm l/n sao cho đúng