Dạy đạo đức cho học sinh

10/04/2019 08:03

Việc giáo dục đạo đức cho lớp trẻ, cho học sinh cần được đặc biệt quan tâm ở cả gia đình và nhà trường.

Những câu chuyện buồn xảy ra trong các trường học gần đây như việc học sinh đánh hội đồng bạn học, học sinh chống đối thầy cô, cô giáo đánh học trò... làm cho dư luận xã hội phẫn nộ. Phải chăng đạo đức xã hội đang xuống cấp như một số người nhận định? 

Theo tôi, chưa hẳn là đạo đức xã hội xuống cấp, vì còn bao tấm gương đẹp, việc làm tốt trong xã hội, trong nhà trường. Có chăng, chúng ta cần nhìn lại cách thức giáo dục thế hệ trẻ, sự kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường. Nếu sự việc xảy ra trong trường học mà đổ hết trách nhiệm cho nhà trường thì e là chưa công bằng.

Ngày nay, không ít gia đình, bố mẹ do mải mê kiếm tiền, lo toan cuộc sống mà ít quan tâm đến con cái, phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường, dễ dẫn đến hệ quả là những đứa trẻ thiếu đi nền tảng đạo đức tối thiểu cần có ngay từ trong gia đình.

Ngay tại TP Hải Dương, hằng ngày không khó bắt gặp hình ảnh những học sinh mặc đồng phục ngang nhiên vượt đèn đỏ thành từng nhóm, từng đoàn. Nhiều người lớn chỉ biết lắc đầu và tự đặt câu hỏi: Những đứa trẻ này lớn lên sẽ thế nào đây? Ý thức phải được hình thành ngay từ lúc còn nhỏ thì lớn lên mới có thể trở thành công dân tốt.

Từ xa xưa, ông cha ta đã dạy "tiên học lễ, hậu học văn", muốn nhắn nhủ rằng khi một con người sinh ra, bắt đầu biết nhận thức thì việc đầu tiên là phải dạy đạo đức, dạy làm người trước rồi mới dạy kiến thức. Hai từ "lễ" và "văn" cha ông ta hay dùng trước đây đồng nghĩa với hai từ "đức" và "tài" chúng ta thường dùng ngày nay. Khi đánh giá về vai trò của đạo đức trong đời sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển của con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Trong bản Di chúc của Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Bác vẫn không quên căn dặn Đảng ta chăm lo bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Người yêu cầu Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, giáo dục thanh niên trở thành người vừa "hồng" vừa "chuyên", trong đó "hồng" là đức, “chuyên” là tài, hồng trước chuyên sau.

Bác Hồ đã từng nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Câu nói của Bác đã khẳng định giá trị cơ bản của một con người và nó lại càng đúng với đạo đức của một người thầy. Bác dạy: Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, những mặt trái của nền kinh tế thị trường luôn tác động đến mọi người, nhất là lớp trẻ, nên việc giáo dục đạo đức cho lớp trẻ, cho học sinh cần được đặc biệt quan tâm ở cả gia đình và nhà trường. Trong mỗi gia đình, bố mẹ dù có bận công việc đến đâu cũng nên dành thời gian để quan tâm chăm sóc, dạy dỗ con cái, mỗi người lớn phải là tấm gương cho giới trẻ noi theo.

Trong nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương cho học sinh học tập, từ lời nói đến hành động. Mặt khác, chương trình giảng dạy cần được sắp xếp hợp lý để có thêm nhiều giờ giảng dạy, giờ ngoại khóa để giáo dục đạo đức cho học sinh.

Không nên để xảy ra những sự việc vi phạm đạo đức của học sinh, để rồi từ hiệu trưởng, ban giám hiệu đến giáo viên chủ nhiệm, học sinh bị kỷ luật như ở Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi (Hưng Yên) vừa qua.

LƯƠNG ANH TẾ (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy đạo đức cho học sinh