Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Đặng Hồng Tuấn ở đường Hào Thành, phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) vẫn miệt mài sưu tập những tài liệu về Bác.
Đến nay, ông Tuấn đã sưu tầm được trên 1.500 tài liệu về Bác
Ông Tuấn cũng tự tổ chức triển lãm để mọi người dân trong khu phố hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của Người.
Gia tài vô giá
Năm 1990, ông Tuấn nghỉ hưu. Thay vì an hưởng tuổi già vui vầy bên con cháu, 15 năm qua, ông tự nguyện làm người "vác tù và", quán xuyến nhiều công việc của khu phố. Ông nói: "Khi về nghỉ chế độ, tôi cảm thấy hụt hẫng. Đã tới tuổi an nhàn mà tôi vẫn thấy không an lòng khi chưa làm được nhiều việc có ích. Được mọi người ủng hộ, tôi được phân công làm Trưởng Đài Phát thanh phường và Trưởng khu dân cư số 6. Từ đó đến nay, tôi vẫn làm cả 2 công việc này".
Nói về cơ duyên sưu tầm sách, báo về Bác, ông Tuấn cho biết, năm 2007, khi tỉnh phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ông trăn trở phải làm thế nào để có thể tuyên truyền những lời dạy của Bác cho mọi người dễ nghe, dễ hiểu. Những lý thuyết khô cứng sẽ không phù hợp với người lao động. Thời điểm đó, mạng internet đã phát triển, lượng thông tin dồi dào, tuy nhiên có rất nhiều nguồn tin không chính thống khiến ông băn khoăn. Sau nhiều lần đắn đo, ông quyết định tìm sách, báo viết về Bác để vừa phục vụ công tác tuyên truyền, vừa bổ sung thêm kiến thức cho bản thân.
Để có nhiều tư liệu về Bác không dễ. Ngày nào ông Tuấn cũng dành thời gian tới các hiệu sách cũ, thậm chí tới cửa hàng đồng nát chuyên thu gom báo cũ để tìm. Nghe ngóng chỗ nào có sách hay, sách quý về Bác ông đều tìm đến hỏi mua. Nếu mua không được ông xin chụp ảnh lại rồi mang về nhà tổng hợp. Dần dần, mọi người đều biết đến ông nên hễ ai có tài liệu về Bác đều gọi ông tới cho. Không chỉ sưu tầm những bài báo Bác viết, mà ông còn tìm hiểu tài liệu viết về Bác. Vất vả nhất là phân loại sách, báo theo từng nội dung phù hợp, bởi việc sưu tầm thực hiện trong một thời gian dài, góp nhặt mỗi nơi một tý nên mọi thông tin đều bị xáo trộn, không theo trình tự. Sau khi đã phân loại, ông biên tập và đọc trên sóng phát thanh 3 lần/tuần. Ngoài ra ông còn nghiên cứu, tìm kiếm những tài liệu về Đảng và chủ quyền biển đảo để phục vụ tuyên truyền. Đến nay, ông đã có trong tay gần 3.000 đầu sách, báo, trong đó có trên 1.500 tài liệu về Bác. Ông tâm đắc nhất là tập tài liệu Bác với các đoàn thể. Bằng những ngôn từ bình dị, đời thường, Bác đã nêu bật được vai trò cũng như trách nhiệm của mỗi đoàn thể đối với quần chúng.
Còn khỏe còn cống hiếnÔng Tuấn tâm niệm: "Tài liệu của một người nhưng kiến thức của nhiều người". Chính vì vậy, ông luôn ấp ủ dự định trưng bày tất cả những sách, báo mà ông cất công tìm kiếm lâu nay cho mọi người biết. Nghĩ là làm, ông tự bỏ tiền và tự tay chuẩn bị từ nội dung khẩu hiệu tuyên truyền đến sắp xếp vị trí tài liệu ở nhà văn hóa khu dân cư. Có những hôm, ông làm việc ở nhà văn hóa tới 12 giờ đêm vì vẫn chưa an tâm về việc sắp đặt tài liệu. Ông đã 3 lần tổ chức giới thiệu tư liệu mà ông sưu tập được, mỗi đợt dài hơn 1 tháng để người dân tới xem. Nội dung trưng bày gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc và của tỉnh như giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc; Thành Đông với Bác. Khi triển lãm, dù bận công việc của khu, phường, ông vẫn dành phần lớn thời gian ở nhà văn hóa để đích thân giới thiệu cho mọi người hiểu rõ những dấu mốc lịch sử vẻ vang và vai trò của Bác trong những thắng lợi ấy. Gần đây, khi cả nước hướng về biển đảo, ông cũng tự tay làm sa bàn mô hình Việt Nam, trưng bày các tài liệu liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa để giới thiệu đến mọi người và giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
"Lúc còn trẻ, tôi chưa phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây là điều tôi cảm thấy tiếc nuối nhất trong cuộc đời mình. Giờ còn khỏe mạnh, tôi chỉ mong muốn có thể đóng góp một phần công sức của mình cho quê hương. Tôi dự định sẽ tổ chức một triển lãm về quá trình phát triển của Đảng qua các thời kỳ lịch sử để chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII". Để làm được điều này, ông đã lên kế hoạch từ nhiều tháng nay.
Bà Vũ Thị Nhạn, vợ ông Tuấn chia sẻ: "Ngày nào ông ấy cũng thức đến 2 giờ đêm nghiên cứu sách báo, rồi sáng sớm lại đạp xe ra cửa hàng sách, đến chiều về làm công việc của phát thanh viên. Gia đình đã nhiều lần ngăn cản vì lo ông ấy tuổi cao sức yếu. Nhưng, dần dần tôi nhận ra đó không chỉ là niềm vui mà còn là mục đích sống của chồng nên tôi ủng hộ. Ông ấy làm được nhiều việc có ích, thỉnh thoảng lại có người đến hỏi mượn sách báo, tôi cũng vui lây".
Với những đóng góp trong công tác vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông Tuấn đã được Thành ủy Hải Dương khen thưởng.
DŨNG CƯỜNG