Đầu xuân, tản mạn về chữ "Tâm"

21/02/2015 17:30

Người có tâm chân thật sẽ sống bình yên, sảng khoái, không phải vướng bận với bất cứ điều gì.



Trong văn hóa của người Việt, chữ "Tâm" rất được coi trọng


Nói đến chữ "Tâm" là người ta nghĩ ngay đến vấn đề đạo đức, lẽ phải của con người, hay nói cách khác chính là đạo làm người. Trong văn hóa của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, chữ "Tâm" rất được coi trọng bởi nó có ý nghĩa hết sức to lớn.

Chữ “Tâm” cũng được hiểu theo nhiều nghĩa. Nghĩa thông thường, chữ "Tâm" chính là tim: lòng, dạ, ruột, phần bên trong, tức là tình cảm của con người. Về nghĩa tâm lý và đạo đức, chữ “Tâm” lại là sự tượng trưng của tình cảm, tình yêu, suy nghĩ, cảm giác, khả năng phán đoán thiện - ác theo quy luật đạo đức…

Ngày xưa Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã viết: “Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trong mỗi con người, tâm thiện lành luôn là điều đáng quý hơn cả. Có được tâm thiện sẽ giúp cho chúng ta có được cuộc sống yên bình, an lành và được hưởng hạnh phúc viên mãn. Những người sống không có tâm sẽ luôn cảm thấy bất an và cuộc sống thường gặp điều trắc trở. Nhà Phật có câu: “Nhất thiết do tâm tạo”. Nghĩa là tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống đều do tâm của mình mà ra. Thiện hay ác, thiên đàng hay địa ngục, vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau tất cả đều do chính tâm mình mà ra.

Mặc dù, tâm là một điểm tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng, nên người ta thường gọi là tâm điểm. Tâm của con người quan trọng vì nó diễn tả nhân cách của một con người. Tâm biểu lộ tư cách, hình tướng, thái độ... Nếu người con trai muốn tìm bạn đời cho mình, muốn biết bạn gái có đẹp nết hay không thì chỉ cần nhìn tướng đi, cử chỉ là biết. Nếu người con gái có dáng đi hơi mạnh, cử chỉ hơi thô biết người này hay nóng nảy. Còn bạn gái luôn mỉm cười, dịu dàng, luôn tha thứ không có trách móc thì thấy người thoải mái…!

Tâm không thật thì cuộc sống luôn cảm thấy bất an. Ai có tâm gian dối khi đến đám đông thường bị hồi hộp, lo lắng, kiểu như “có tật giật mình”. Nhất là những ai có tâm đố kỵ, tham lam thì cuộc sống thường dối trá, mất vui. Chính vì vậy, mỗi người cần phải học, phải rèn cho cái tâm chân thật, trong sáng, sống sao cho đúng với đạo lý làm người. Người có tâm chân thật sẽ sống bình yên, sảng khoái, không phải vướng bận với bất cứ điều gì. Để cuộc sống chan chứa tình yêu thương, để có thể cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ được với mọi người xung quanh mỗi người luôn phải “mang theo” chữ tâm bên mình.

Chữ "Tâm" không phải là cái gì đó cố hữu, đứng im mà nó biến hóa vô cùng, nó được ví như một con ngựa, con ngựa này sẽ trở nên tốt đẹp nếu người chủ biết cách nuôi dưỡng và sử dụng. Mọi ngọn nguồn của tình yêu thương, của những giá trị đạo đức tốt đẹp đều xuất phát từ cái tâm. Tuy nhiên, nếu sự thương yêu ấy nhỏ nhen, hẹp hòi chỉ dừng lại ở góc độ cá nhân mình hay gia đình, dòng họ,… thì đều không tốt, không được bền lâu, phát triển.

Trong Kinh Huấn Nữ Thánh Ngôn có dạy:

“Vô tâm vi thiện mới ngoan
Hữu tâm vi thiện ai màng mà mơ…”


Chữ "Tâm" đã khiến chúng ta luôn phải suy tư, thổn thức để cân nhắc, đấu tranh với chính bản thân mình trong các hành vi của cuộc sống thường ngày, và tất nhiên sẽ có lúc, có thời điểm một vài hành động nào đó của ta không được như mong đợi. Lời khuyên trong cuộc sống là hãy thường xuyên nhắc nhở cái tâm mình hướng về những điều thiện, cố gắng làm thật nhiều điều tốt đẹp, chỉ có như vậy, mới mong có được một cuộc sống tốt đẹp, yên vui. Ngược lại, hết sức tránh phạm phải những hành vi trái với “luân thường đạo lý” sẽ khiến tâm ta luôn thấy lo lắng, bất an, cuộc sống vì thế mà không thể an bình, hạnh phúc. Bởi vì, trong cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều điều phức tạp, cả những cám dỗ mãnh liệt mà đôi khi trong khoảnh khắc nào đó tâm chúng ta không làm chủ được; cho nên dẫn tới có những hành vi không chính, làm cho lương tâm thấy áy náy, bị dày vò. Khi tâm lực tốt, sẽ hướng trí và thể đi đến hoàn thiện, còn nếu tâm không ổn định sẽ ẩn chứa nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra…

Nói về chữ "Tâm" là nói đến cuộc sống đạo đức, biết làm theo lẽ phải đúng với đạo làm người. Vì thế, chữ “Tâm” có ý nghĩa rất to lớn, người Việt Nam ta có câu “sống ở trên đời phải có tâm”. Đây chính là nét đẹp trong văn hóa ứng xử, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong mọi mối quan hệ của các thế hệ con người Việt Nam từ trước tới nay. Một năm mới đã đến gần, mong cho mỗi người chúng ta hãy biết giữ cho mình một chữ “Tâm” trong sáng để biết yêu thương, chăm sóc, biết lo lắng, bảo vệ quê hương, đất nước, gia đình mình, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh đúng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã kỳ vọng.

                            NGUYỄN THỊ TÂM


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu xuân, tản mạn về chữ "Tâm"