Do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài, giá nguyên liệu đu vào tăng... đã ảnh hưởng đến việc gieo trồng cây vụ đông.
Gia đình chị Phạm Thị Thương ở thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi (Gia Lộc) trồng su hào trong mưa
Hiện nay, nông dân trong tỉnh đã bắt đầu gieo trồng cây vụ đông các loại. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài, giá nguyên liệu đầu vào tăng... đã ảnh hưởng đến việc gieo trồng cây vụ đông.
"Cộng hưởng" khó khănĐang nhanh tay đặt cây su hào vào luống, chị Phạm Thị Thương ở thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi (Gia Lộc) cho biết: “Mặc dù trời mưa nhưng tôi vẫn phải ra đồng trồng su hào, bởi cây đã đến ngày trồng. Nhưng trời đang mưa thế này, tôi cũng không yên tâm lắm. Nếu mưa kéo dài thêm 1-2 ngày nữa thì rễ sẽ bị thối, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Ngoài ruộng này, tôi còn 7 sào nữa nhưng vẫn chưa làm đất được, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng. Năm nay, giá hạt giống su hào cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với vụ đông năm trước. Cách đây khoảng chục ngày, tôi mua 1 hộp su hào Sakata (hộp 1 lạng) có giá 7,5 triệu đồng. Còn năm trước thì đầu vụ chỉ 2,8 triệu đồng/hộp, đến cuối vụ tăng lên 3,5 triệu đồng/hộp. Mặc dù giá cao nhưng nguồn cung cũng rất hạn chế. Hiện nay, nhiều gia đình muốn trồng nhưng không có hạt giống để mua”.
So với vụ đông năm trước, năm nay, thời tiết mưa nhiều hơn, kèm theo gió đã làm nhiều cây trồng bị đổ và táp lá. Chị Nguyễn Thị Bua ở thị trấn Gia Lộc cho biết: “Gia đình tôi trồng 1 mẫu ngô HN88 đã được nửa tháng. Hiện nay, hầu hết ngô non đã bị đổ, tôi phải lấy đất ấp vào gốc để cây có thể đứng thẳng được. Năm nay, chi phí cho 1 sào ngô cũng tăng thêm khoảng 200 nghìn đồng so với năm trước, bởi công làm đất, giá ngô giống, chi phí phân đạm đều tăng”.
Để cây ngô không bị đổ, chị Nguyễn Thị Bua ở thị trấn Gia Lộc phải lấy đất ấp vào gốcDo lường trước được những khó khăn nên năm nay, huyện Ninh Giang đã chủ động giảm 200 ha cây vụ đông xuống còn 1.300 ha. Ông Trần Trọng Bát, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Giang cho biết: “Diện tích trà mùa sớm của huyện chỉ chiếm gần 22%. Một số xã không có diện tích mùa sớm và gieo cấy không tập trung nên việc bố trí cây vụ đông sớm như ngô, khoai lang, ớt, đậu tương gặp nhiều khó khăn. Các HTX Dịch vụ nông nghiệp và các công ty cũng chưa ký kết được nhiều hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Giá một số loại rau cuối vụ đông năm 2012 xuống thấp làm ảnh hưởng đến tâm lý người trồng. Ngoài ra, thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, mưa kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến việc làm đất cũng như chất lượng của các loại cây vụ đông”.
Qua khảo sát, năm nay giá các loại vật tư phân bón, giống cũng tăng so với năm trước từ 5-10%. Ngô HN88 có giá 270 nghìn đồng/kg, tăng 30 nghìn đồng/kg so với năm trước, khoai tây tăng 2.000 đồng/kg (tùy từng loại), cà rốt Ti103 tăng 20 nghìn đồng/sào. Nguồn cung một số giống cây trồng cũng không dồi dào như năm trước, thậm chí còn khan hiếm như bắp cải chịu nhiệt Sakata, khoai tây giống... Bên cạnh đó, giá vật tư phân bón, công lao động cao hơn năm trước cũng là nguyên nhân làm cho việc gieo trồng cây vụ đông gặp khó khăn hơn.
Nhiều giải pháp hỗ trợ Trước những khó khăn trên, để bảo đảm các địa phương trồng đạt và vượt kế hoạch trồng cây vụ đông đề ra, tỉnh và các địa phương đã có nhiều giải pháp. Đến nay, cả 12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã xây dựng xong chính sách hỗ trợ cây vụ đông cho nông dân. Cụ thể, huyện Gia Lộc sẽ hỗ trợ 15 triệu đồng/ha đối với các cá nhân thuê, mượn đất để sản xuất rau màu tập trung có quy mô từ 1 ha trở lên; hỗ trợ 70 nghìn đồng/sào đối với các vùng sản xuất ngô giống có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ 50 nghìn đồng/sào đối với dưa chuột nếp và cây bí xanh số 2. Kinh phí hỗ trợ sản xuất cây vụ đông dự kiến khoảng 700 triệu đồng, được lấy từ Chương trình mục tiêu hỗ trợ giá giống năm 2013 - 2014 và nguồn kinh phí dự phòng của huyện. Huyện Bình Giang dự kiến hỗ trợ 75 nghìn đồng/sào ngô nếp, 175 nghìn đồng/sào khoai tây, 50 nghìn đồng/sào dưa và bí xanh với các vùng quy vùng được từ 3 ha trở lên. Huyện Cẩm Giàng dự kiến hỗ trợ 50 nghìn đồng/kg ngô giống và 50% giá giống cho cây khoai tây và bí xanh. Không chỉ thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, các huyện, thành phố, thị xã còn thực hiện chính sách hỗ trợ cho địa phương và cán bộ tích cực trong việc quy vùng sản xuất cây vụ đông tập trung, như: huyện Nam Sách hỗ trợ công quy vùng và chỉ đạo kỹ thuật cho các xã 200 nghìn đồng/ha (đạt chuẩn diện tích theo quy định của huyện); TP Hải Dương dự kiến hỗ trợ 200 nghìn đồng/ha công chỉ đạo đối với cây khoai tây và bí xanh và 3 triệu đồng/vùng 30 ha đối với cây cà chua...
Để chủ động về nguồn cây giống, các công ty thực hiện dự án sản xuất khoai tây giống của tỉnh như: Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Hải Dương, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, các công ty: Giống cây trồng Phương Lam, Kiên Giang, Hương Quê đều dành giống và cung ứng giống bảo đảm đủ cho nông dân trong tỉnh. Ông Vương Đình Toản, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty TNHH một thành viên Giống cây trồng Hải Dương cho biết: “Theo dự báo, do khoai tây Trung Quốc mất mùa nên lượng cung trên thị trường sẽ hạn chế. Vì thế, năm nay, đơn vị đã chủ động tăng giống khoai tây lên 1.000 tấn. Công ty ưu tiên cho các hợp đồng trong tỉnh trước, nếu thừa mới bán ra tỉnh ngoài. Tuy nhiên, năm nay, giá khoai tây mà đơn vị cung ứng dự kiến khoảng 20 nghìn đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước. Ngoài ra, công ty còn tập trung vào một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao như: ngô lai LVN99, HN88, MX10; khoai tây Sinora, Aladin, Atlantic; khoai lang KB1, KB5”.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích cây vụ đông, ngành nông nghiệp tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa mùa theo phương châm “sáng lúa, chiều vụ đông” để bảo đảm thời vụ, nhất là cây vụ đông sớm. Rải vụ các loại rau ưa lạnh như su hào, bắp cải, su lơ để tránh rớt giá khi thu ồ ạt lúc chính vụ, tăng diện tích rau sớm, đạt giá bán cao. Tăng diện tích các loại cây trồng có đầu ra ổn định, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ như: khoai tây Atlantic, ớt, ngô ngọt... Áp dụng và mở rộng các mô hình mới như trồng ngô theo phương pháp làm đất tối thiểu, khoai tây không làm đất, trồng bí xanh xen gối lúa. Các địa phương cần làm tốt công tác tưới, tiêu, nhất là tiêu nước đầu vụ và tưới nước cuối vụ. Tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, địa điểm thu mua... để doanh nghiệp, thương lái hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tiêu thụ nông sản cho nông dân được thuận lợi nhất...
THANH HÀ